Viện trưởng, TSKH. Trần Kỳ Phúc tiếp bà Camilla Holbech, Tham tán Năng lượng, điện gió ngoài khơi – Đại sứ quán Đan Mạch

Ngày 29 tháng 10 năm 2020, tại Trụ sở Viện Năng lượng, Viện trưởng, TSKH. Trần Kỳ Phúc đã tiếp bà Camilla Holbech, Tham tán Năng lượng, điện gió ngoài khơi – Đại sứ quán Đan Mạch và ông Rahul Kitchlu, Lãnh đạo ngành về Cơ sở hạ tầng, Điều phối viên Năng lượng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Viện trưởng Trần Kỳ Phúc tiếp bà Camilla Holbech, Tham tán Năng lượng, điện gió ngoài khơi – Đại sứ quán Đan Mạch

Cùng dự buổi tiếp với Viện trưởng Trần Kỳ Phúc, có ông Nguyễn Thế Thắng, Trưởng phòng Phát triển hệ thống điện; ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và bà Phạm Minh Hòa, Phó Trưởng phòng Quan hệ quốc tế – Viện Năng lượng.
Tại buổi tiếp, Viện trưởng Trần Kỳ Phúc đã nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn bà Camilla Holbech, Tham tán Năng lượng, điện gió ngoài khơi – Đại sứ quán Đan Mạch đã đến thăm và làm việc với Viện Năng lượng, Viện trưởng điểm qua những nét nổi bật của Viện Năng lượng những năm gần đây, đặc biệt là những thế mạnh của Viện trong nghiên cứu, tham mưu, tư vấn quy hoạch, chiến lược phát triển năng lượng, điện lực.
Viện trưởng Trần Kỳ Phúc cho biết trong Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII), các chuyên gia, nhà khoa học của Viện Năng lượng cũng đã có những nghiên cứu sâu về tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi tại những vùng biển cách bờ khoảng 15 – 100km. Trong bối cảnh các nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu, khí hiện nay đang ngày càng cạn kiệt, thì việc đặt ưu tiên đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo nói chung, điện gió, điện gió ngoài khơi nói riêng là một lựa chọn khả khi về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Theo bà Camilla Holbech, Tham tán Năng lượng, điện gió ngoài khơi – Đại sứ quán Đan Mạch, để có thể phát triển điện gió ngoài khơi tương xứng với tiềm năng dồi dào sẵn có của Việt Nam, nhiều vấn đề liên quan đến công nghệ, chính sách đặc biệt là cơ chế đấu thầu sau khi cơ chế giá ưu đãi cho điện gió kết thúc cần được quan tâm. Ngoài ra, Việt Nam cần đặt ra mục tiêu công suất rõ ràng, phân bổ công suất hợp lý và hệ thống truyền tải đáp ứng được nhu cầu giải tỏa công suất. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần sớm thúc đẩy sự phát triển của điện gió ngoài khơi để có thể tận dụng được những lợi ích mà điện gió ngoài khơi mang lại.
Bà Camilla Holbech cho biết, cơ chế đấu thầu rõ ràng và minh bạch là một trong những mối quan tâm lớn của World Bank khi tổ chức quốc tế này đang có kế hoạch hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương xây dựng cơ chế đấu thầu cho các dự án điện gió và mặt trời.
Kết thúc buổi làm việc, bà Camilla Holbech và ông Rahul Kitchlu mong muốn sẽ có cơ hội hợp tác thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi cũng như các hoạt động hợp tác nghiên cứu khác với Viện Năng lượng.

Ban biên tập

Facebook
Twitter
LinkedIn