Viện Năng Lượng và Liên minh Năng lượng phối hợp tổ chức Tọa đàm Quy hoạch phát triển điện ở Việt Nam

Sáng ngày 10/1/2014, Viện Năng lượng cùng Liên minh Năng lượng mà đại diện là Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm về Quy hoạch phát triển điện ở Việt Nam.

Mục đích của buổi tọa đàm là tạo cơ hội để các bên liên quan trên phạm vi cả nước chia sẻ thông tin, trao đổi và đóng góp ý kiến về quá trình xây dựng quy hoạch điện tại Việt Nam. Buổi Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm tham gia của hơn 40 đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, đơn vị tư vấn, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế như UNDP, GIZ, WWF v.v.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia năng lượng đã lần lượt chia sẻ các kiến thức về cơ sở lý thuyết, các phương pháp luận về lập quy hoạch phát triển điện lực truyền thống cũng như các phương pháp mới đang được nghiên cứu áp dụng trên thế giới, cơ sở và phương pháp luận quy hoạch điện thực tiễn đang được áp dụng tại Việt Nam, những đánh giá độc lập về các thách thức, hạn chế của Quy hoạch điện 7 (QHD7) và quá trình thực hiện QHD7, các đánh giá về quá trình Đánh giá môi trường chiến lược (SEA) của QHD7 cùng những bài học kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức trong việc lập quy hoạch điện và các đề xuất khắc phục. Đồng thời, những thay đổi trong Luật điện lực mới có tác động đến quá trình lập quy hoạch điện quốc gia cũng được thảo luận.Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi rất sôi nổi và chỉ ra nhiều hạn chế của các quy hoạch phát triển điện quốc gia của Việt Nam như các số liệu đầu vào chưa sát thực tế (ví dụ như tốc độ tăng trưởng GDP dự báo cao hơn nhiều so với thực tế) dẫn đến dự báo nhu cầu năng lượng quá cao, thiếu quy hoạch tổng thể năng lượng và an ninh năng lượng, quy hoạch điện thiếu đồng bộ với quy hoạch các nguồn năng lượng sơ cấp, quy hoạch phát triển hạ tầng, tỷ trọng năng lượng tái tạo, đặc biệt một số loại năng lượng tái tạo có tiềm năng cao ở Việt Nam như năng lượng sinh khối, rác thải rắn, trong quy hoạch điện còn thấp, quá trình theo dõi, giám sát việc thực hiện quy hoạch điện còn thiếu chặt chẽ, v.v.Các đại biểu thống nhất rằng để có thể khắc phục những hạn chế và khó khăn của quá trình lập quy hoạch điện, các bên cần phối hợp thực hiện nhiều nghiên cứu cơ sở để đảm bảo độ chính xác của các dữ liệu đầu vào, hoàn chỉnh phương pháp luận, thực hiện quy hoạch năng lượng tổng thể và an ninh năng lượng quốc gia để đảm bảo tính đồng nhất và kết nối của các loại quy hoạch, cấp vốn cho cơ quan lập quy hoạch để theo dõi, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch cho cơ quan có thẩm quyền, v.v. Những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các đại biểu đều được ghi nhận để nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng của việc lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch điện trong tương lai.

Ban Biên tập 

Facebook
Twitter
LinkedIn