Nguyễn Hoàng Anh, Phòng Kinh tế dự báo và quản lý nhu cầu năng lượng, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương
Trong năm ngày từ 16-20 tháng 10 năm 2017, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP và Trung tâm thông tin dự báo thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư đã phối hợp tổ chức Hội thảo giới thiệu và đào tạo mô hình CLEWS, một mô hình tích hợp hỗ trợ hoạch định chính sách phát triển bền vững, bao gồm năng lượng cho Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia tích cực của các chuyên gia Viện Năng lượng- Bộ Công Thương.
Mô hình Global CLEWS, viết tắt của Khí hậu (Climate) – Đất (Land) – Năng lượng (Energy) – Nước (Water) – Hệ thống (System), được phát triển nhằm mô hình hóa mối quan hệ giữa nước, năng lượng, khí hậu, sử dụng đất đai và tài nguyên trên phạm vi toàn cầu. Khởi thảo của mô hình này là nhằm phục vụ cho Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Phát triển Bền vững năm 2012 tại Brazil, hay được gọi là hội nghị Rio+20.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tiên Phong, đại diện UNDP Việt Nam cho biết UNDP sẽ hỗ trợ xây dựng mô hình này cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực hoạch định chính sách về phát triển bền vững.
Hội thảo lần này được tổ chức tập trung vào lĩnh vực năng lượng, do nhóm chuyên gia kỹ thuật của UNDP thực hiện với sự tham gia của các đại diện đến từ nhiều viện nghiên cứu chính sách từ các Bộ ngành khác nhau, trong đó có Viện Năng lượng. Tại Hội thảo, các chuyên gia UNDP đã truyền đạt kiến thức cơ bản về mô hình CLEWS, cũng như những vấn đề phát triển bền vững trong ngành năng lượng.
Ông Eduardo Zepeda, đại diện nhóm chuyên gia cho biết, UNDP dự định thành lập một nhóm các chuyên gia trong nước với các chuyên ngành liên quan nhằm xây dựng mô hình CLEWS cho trường hợp Việt Nam. Nhóm này sẽ hoạt động với sự hỗ trợ liên tục trong khoảng 1 năm từ nhóm chuyên gia quốc tế được chỉ định bởi UNDP.
Sau khóa hội thảo đào tạo, ngày 23 tháng 10 năm 2017, các chuyên gia của UNDP đã đến làm việc với Viện Năng lượng nhằm trao đổi về khả năng ứng dụng CLEWS tại Việt Nam. Thay mặt Viện Năng lượng, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Trưởng phòng Kinh tế dự báo và quản lý nhu cầu năng lượng đánh giá cao mô hình CLEWS. Theo ông Hưng, đối với quy hoạch năng lượng, hiện tại Viện Năng lượng đang sử dụng mô hình MARKAL và TIMES. Tuy nhiên, cả hai mô hình này đều không tích hợp đánh giá tác động môi trường, sử dụng nước và đất. Với kinh nghiệm về mô hình hóa và nền tảng về xây dựng chính sách năng lượng, Viện Năng lượng kỳ vọng sẽ là đơn vị tư vấn cho UNDP, thông qua việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc phát triển mô hình CLEWS cho Việt Nam.