Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng
Việc đánh giá tính khả thi của một chương trình năng lượng hạt nhân đòi hỏi phải xem xét chuyên sâu các tác động kinh tế vĩ mô. Thông qua việc phát triển một công cụ mô hình hóa mới được cập nhật, IAEA đang hỗ trợ các chính phủ đánh giá xem năng lượng hạt nhân có thể giúp họ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và hành động khí hậu như thế nào.
Hai mươi tư nhà hoạch định năng lượng, hoạch định chính sách và cán bộ quản lý đến từ 14 quốc gia và 3 tổ chức quốc tế đã gặp nhau tại Vienna từ ngày 18 đến 21 tháng 6 để tham dự Hội nghị kỹ thuật nhằm xác định các tác động vĩ mô của chương trình nhà máy điện hạt nhân. Các chuyên gia đã cùng xem xét phiên bản mới nhất của công cụ mô hình hóa do IAEA phát triển, được gọi là Mô hình đầu ra đầu vào mở rộng để đánh giá tác động của nhà máy điện hạt nhân (EMPOWER). Được bắt đầu phát triển bởi Dự án nghiên cứu phối hợp IAEA từ năm 2014 đến 2018, công cụ này được thiết kế và phát triển nhằm hỗ trợ các chuyên gia đánh giá tác động của năng lượng hạt nhân đến các chỉ số kinh tế vĩ mô chính, bao gồm việc làm, mức xuất khẩu và tổng sản phẩm quốc nội.
Theo Victoria Alexeeva, nhà kinh tế năng lượng tại IAEA, “nhiều quốc gia thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển, đang thiếu các công cụ định lượng và kinh nghiệm để đánh giá toàn diện tác động kinh tế vĩ mô của đầu tư năng lượng. Mô hình EMPOWER cho phép họ sử dụng các bộ dữ liệu cụ thể theo từng quốc gia để có một cái nhìn toàn diện về cách một chương trình năng lượng hạt nhân có thể ảnh hưởng đến một loạt các biến số kinh tế vĩ mô”.
EMPOWER không chỉ nắm bắt các tác động trực tiếp của việc xây dựng, vận hành và ngừng hoạt động của một nhà máy mà cả các tác động gián tiếp gây ra dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng. Điều đó có nghĩa là tăng hoạt động kinh tế trong cộng đồng địa phương và hơn thế nữa.
Những thành viên tham gia cuộc họp đã nhất trí rằng mô hình EMPOWER đủ linh hoạt và phù hợp để mô hình hóa các tác động kinh tế vĩ mô đối với một số loại năng lượng khác chứ không chỉ riêng hạt nhân. Các thành viên cho rằng mô hình phù hợp để phát hành chính thức.
Ahlem Dakhlaoui, giáo sư kinh tế khoa học tại Đại học Carthage ở Tunisia, cùng với các thành viên của Công ty Điện và Khí đốt Tunisia và Phòng thí nghiệm Quản lý và Kinh tế Công nghiệp tại Trường Bách khoa Tunisia (LEGI) đã tiến hành mô hình hóa các tác động kinh tế vĩ mô về năng lượng hạt nhân khi Tunisia tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên. Cô cho biết: “Phần lớn điện ở Tunisia được sản xuất từ khí tự nhiên, một phần trong đó được nhập khẩu và Tunisia đang cân nhắc tới năng lượng hạt nhân trong cấu trúc năng lượng dài hạn của mình để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Kết quả mà chúng ta thấy từ mô hình hóa với EMPOWER chỉ ra rằng việc làm, tổng sản phẩm quốc nội và tỷ giá hối đoái có thể sẽ bị ảnh hưởng một cách tích cực nếu chương trình điện hạt nhân được thực hiện”.
Barbara Nagel, Trưởng phòng Phát triển Chiến lược và Năng lượng Hạt nhân tại Ủy ban Năng lượng Hạt nhân Chile, cho biết Chile có kinh nghiệm trong việc mô hình hóa các tác động của lưới điện bằng Mô hình Phân tích Nhu cầu Năng lượng (MAED) của IAEA và Mô hình Các lựa chọn Chiến lược Cung cấp Năng lượng và Tác động Môi trường Chung (MESSAGE) và phạm vi rộng hơn của EMPOWER rất được khuyến khích. “EMPOWER có thể rất hữu ích cho các nghiên cứu tiền khả thi khi Chile cân nhắc đến năng lượng hạt nhân. Khả năng của mô hình trong việc dự báo các tác động tới tạo việc làm và hiệu quả công nghiệp sẽ giúp Chile đưa ra quyết định sáng suốt về việc có nên phát triển năng lượng hạt nhân hay không. Chile cũng có thể xem xét việc sử dụng năng lượng hạt nhân khác, bao gồm cung cấp năng lượng cho các nhà máy khử mặn để giải quyết tình trạng khan hiếm nước ở sa mạc Atacama, Chile”, cô nói.
Một số công cụ mô hình hóa khác được IAEA phát triển trước đây đã được khoảng 150 quốc gia thành viên và 21 tổ chức khu vực và quốc tế sử dụng để phát triển các chiến lược năng lượng bền vững. Những công cụ này cũng sẽ được nêu kỹ tại Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu và Vai trò của năng lượng hạt nhân từ ngày 7 đến 11 tháng 10 năm 2019 tại Vienna.