QHĐ VII đã đưa ra các quan điểm phát triển chính:
1 – Phát triển ngành điện phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội.
2- Sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước cho phát triển điện, kết hợp với việc nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý, đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện, bảo tồn nhiên liệu và bảo đảm an ninh năng lượng cho tương lai.
3- Từng bước nâng cao chất lượng điện năng để cung cấp dịch vụ điện với chất lượng ngày càng cao. Thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường nhằm khuyến khích đầu tư phát triển ngành điện; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.
4 – Phát triển điện đi đôi với bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm phát triển bền vững đất nước.
5- Từng bước hình thành, phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Nhà nước chỉ giữ độc quyền lưới điện truyền tải để đảm bảo an ninh hệ thống năng lượng quốc gia.
6- Phát triển ngành điện dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi miền; tiếp tục đẩy mạnh công tác điện khí hóa nông thôn, đảm bảo cung cấp đầy đủ, liên tục, an toàn cho nhu cầu điện tất cả các vùng trong toàn quốc.
Mục tiêu phát triển cụ thể trong giai đoạn tới:
– Cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, sản lượng điện sản xất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194-210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330-362 tỷ kWh, năm 2030 khoảng 695-834 tỷ kWh.
– Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% năm 2020 và 6,0% năm 2030 tổng điện năng sản xuất.
– Giảm hệ số đàn hồi điện/GDP từ bình quân 2,0 hiện nay xuống còn bằng 1,5 vào năm 2015 và còn 1,0 vào năm 2020.
– Đẩy nhanh chương trình điện khí hóa nông thôn, miền núi, hải đảo đảm bảo đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.
Trong nội dung quy hoạch có 2 phần quan trọng: quy hoạch phát triển nguồn điện và quy hoạch phát triển lưới điện, truyền tải.
Nguồn điện sẽ phát triển theo hướng cân đối công suất nguồn trên từng miền Bắc, Trung, Nam nhằm đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện trên từng miền và giảm tổn thất truyền tải, chia sẻ công suất dự trữ và khai thác hiệu quả các nhà máy thủy điện theo mùa. Đa dạng hóa các hình thức phát triển nguồn điện nhằm tăng cường cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối, …), đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1000 MW vào năm 2020 và 6200 MW vào năm 2030. Điện sinh khối phấn đấu nâng lên 500 MW vào năm 2020 và 2000 MW năm 2030.
Ưu tiên phát triển thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp như chống lũ, cấp nước, sản xuất điện; đưa tổng tổng công suất nguồn thủy điện từ 9200 MW hiện nay lên 17400 MW năm 2020. Nghiên cứu đưa các nhà máy thuỷ điện tích năng vào vận hành, dự kiến năm 2020 khoảng 1800 MW, năm 2030 là 5700 MW.
Phát triển các nhà máy nhiệt điện với tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nhiên liệu: khí thiên nhiên, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), than và hạt nhân.
Đến năm 2020, dự kiến tổng công suất các nhà máy điện khoảng 75000 MW, trong đó thủy điện chiếm 23,1%, thủy điện tích năng 2,4%; nhiệt điện than 48%; nhiệt điện khí đốt 16,5% (trong đó LNG 2,6%); nguồn điện năng lượng tái tạo 5,6%; điện hạt nhân 1,3% và nhập khẩu 3,1%. Cơ cấu nguồn đến năm 2030 sẽ có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng nhiệt điện Than (lên 51,6%), năng lượng tái tạo, điện hạt nhân và điện nhập khẩu từ nước ngoài.
Đối với lưới điện truyền tải, cần phát triển phù hợp với chiến lược phát triển ngành, và các quy hoạch khác của địa phương; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, đảm bảo huy động thuận lợi các nguồn điện trong mùa mưa, mùa khô và huy động các nguồn điện trong mọi chế độ vận hành của thị trường điện; đối với các thành phố, các trung tâm phụ tải lớn lưới điện phải có độ dự trữ và linh hoạt cao hơn, từng bước ngầm hóa lưới điện, hạn chế tác động xấu đến cảnh quan môi trường; hiện đại hóa lưới điện, nghiên cứu triển khai công nghệ “lưới điện thông minh – Smart Grid”, sử dụng các thiết bị FACTS, SVC, hiện đại hóa hệ thống điều khiển.
Cấp điện áp 500 kV là cấp truyền tải siêu cao áp chủ yếu của Việt Nam. Nghiên cứu khả năng xây dựng cấp điện áp 750 kV, 1000 kV hoặc truyền tải siêu cáo áp một chiều HVDC sau năm 2020.
Thực hiện chương trình hợp tác liên kết lưới điện với các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) thông qua các cấp điện áp 110-220-500 kV.
Đối với việc cung cấp điện cho khu vực nông thôn miền núi hải đảo, phấn đấu đến năm 2015 100% số xã và 98,6% số hộ dân nông thôn có điện, đầu tư xây mới bằng lưới điện quốc gia hoặc nguồn điện tại chỗ. Đẩy mạnh điện khí hóa nông thôn góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Tăng cường kiểm soát giá điện nông thôn để đảm bảo thực hiện theo chính sách giá điện do Chính phủ quy định.
Tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện giai đoạn 2011-2020 ước tính khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (trung bình mỗi năm khoảng 4,88 tỷ USD), trong đó khoảng 2/3 vốn đầu tư dành cho phát triển nguồn, 1/3 cho phát triển lưới điện.
Quy hoạch điện VII là quy hoạch điện thứ 4 do Viện Năng lượng – Bộ Công thương chủ trì lập (trước đây là các QHĐ IV, V, VI). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ, ban ngành, địa phương quản lý – triển khai quy hoạch phát triển điện lực, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Menu