Nghiên cứu phương pháp xác định giá truyền tải điện và các phương thức chống tắc nghẽn phù hợp điều kiện thị trường điện ở Việt Nam

Tóm tắt
Đề tài tập trung vào việc đánh giá và phân tích các phương pháp xác định giá truyền tải điện và các phương thức chống tắc nghẽn mạch trong điều kiện vận hành thị trường điện. Đề xuất phương pháp tính giá truyền tải và phương thức chống tắc nghẽn áp dụng cho thị trường điện Việt Nam trong giai đoạn phát triển thị trường bán buôn cạnh tranh cũng như ở cấp độ phát triển thị trường cao hơn.

Giới thiệu
Trên thế giới đã có rất nhiều nước có thị trường điện và họ đã thành công trong việc lựa chọn phương pháp tính giá truyền tải và đưa ra được cách tính giá truyền tải hợp lý cho thị trường điện của họ. Có 5 giải pháp chính chống tắc nghẽn mạch trong điều kiện thị trường hiện đang được áp dụng. Tuy nhiên mỗi giải pháp đều có ưu điểm và nhược điểm mà chưa được phân tích và tổng quát hoá cho từng điều kiện thị trường khác nhau.
Ở nước ta hiện nay, giá truyền tải điện đang được nghiên cứu bởi Cục Điều tiết Điện lực, và Bộ Công thương có văn bản quy định về phương pháp tính giá truyền tải trên hệ thống truyền tải điện.Tuy nhiên, các phương pháp tính giá hiện nay chưa xem xét đến các phương thức chống tắc nghẽn trong điều kiện liên kết thị trường điện. Vì vậy, đề tài được thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu giá truyền tải hợp lý và các phương pháp hạn chế tắc nghẽn mạch trong điều kiện thị trường trong tương lai.
Đề tài tập trung vào việc đánh giá và phân tích các phương pháp xác định giá truyền tải điện và các phương thức chống tắc nghẽn trong điều kiện liên kết thị trường điện. Từ đó đưa ra đề xuất tính giá truyền tải và đề xuất phương thức chống tắc nghẽn áp dụng cho thị trường điện Việt Nam trong giai đoạn đầu của lộ trình phát triển thị trường bán buôn cạnh tranh.
Phương pháp nghiên cứu
Đề tài dựa trên phương pháp nghiên cứu hệ thống (holistic systemic) bao gồm:
• Tổng hợp số liệu: Cơ sở và triển vọng phát triển của ngành điện và thị trường điện ở Việt Nam được phân tích và đánh giá, đặt cơ sở phương pháp luận cho tính giá truyền tải và đề xuất phương pháp chống tắc nghẽn.
• Phân nhóm: Một số khái niệm về giá thành chuyền tải và phương pháp luận được phân tích đánh giá theo 03 nhóm chính: giá cố định, giá tăng dần, và kết hợp giá cố định và tăng dần .
• Phân tích: Các phương pháp chống tắc nghẽn truyền tải được phân tích về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn như: phân chia theo tỷ lệ, theo thứ tự ưu tiên, giá đấu thầu, giá vùng, kết hợp chia vùng và đấu thầu. Kinh nghiệm và bài học trong quá trình áp dụng các phương pháp trên tại châu Âu và Mỹ sẽ được đánh giá.
• Kết luận: Kiến nghị các phương pháp và phương thức chống tắc ngẽn mạch thích hợp nhất cho điều kiện thị trường điện ở Việt Nam
Kết quả đạt được
Nhóm thực hiện đề tài đã phân tích đánh giá mô hình phát triển thị trường điện Việt Nam đang thực hiện, đối chiếu với các mô hình hiện có trên thế giới để xác định những yếu tố hạn chế ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng một thị trường điện hoàn hảo ở Việt Nam hiện tại và trong tương lai gần.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích đánh giá các phương pháp tính phí truyền tải điện hiện nay ,so sánh phương pháp xác định giá truyền tải điện bình quân năm đang được áp dụng tại Việt Nam và tính toán minh họa theo phương pháp chi phí gia tăng bình quân dài hạn “Long Run Average Incremental Cost -LRAIC”. Theo kết quả tính toán, phí truyền tải điện cho hệ thống điện trong giai đoạn 2010-2025 khoảng 81 VND/kWh trên hệ thống 220-500 kV.
Đối với vấn đề tắc nghẽn trong thị trường điện, nhóm nghiên cứu đề xuất sử dụng phương pháp tổng hợp từ các phương pháp: chia cắt thị trường, thương mại đối lưu và “use it or lose it”. Đây là phương pháp tổng hợp được đưa ra để hạn chế tối đa những yếu tố bất lợi trong điều kiện hiện nay của hệ thống điện Việt Nam.
Từ những kết quả phân tích của đề tài, nhóm nghiên cứu nhận thấy:
1. Hệ thống điện Việt Nam hiện nay chưa thỏa mãn các điều kiện cần và đủ cần thiết để phát triển thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo.
2. Cần thiết phải áp dụng phương pháp LRAIC để tính toán tham chiếu cho các dự báo dài hạn bên cạnh phương pháp “tem thư” đang được áp dụng hiện nay.
3. Cần áp dụng phương pháp tổng hợp kết hợp từ các phương pháp chia cắt thị trường, thương mại đối lưu và “use it or lose it”. Phương pháp này phù hợp với đặc tính vùng phụ tải, suất sự cố cũng như mức độ tập trung nguồn điện lớn của Việt Nam hiện nay.

Còn nữa: Xem bài đầy đủ

Facebook
Twitter
LinkedIn