NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP ĐỐT KÈM HYDROGEN TRONG CÁC NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN KHÍ CỦA PVN

   Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) diễn ra tại Vương quốc Anh vào năm 2021, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia để đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

   Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHĐ VIII) với phương hướng phát triển của nhiệt điện khí “…Thực hiện lộ trình chuyển đổi nhiên liệu sang Hydro khi công nghệ được thương mại hóa và giá thành phù hợp”. Ngày 07/02/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng Hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) “Xây dựng kế hoạch chuyển đổi, phối trộn nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện than, khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”.

   Hiện nay, PVN và các đơn vị thành viên đang quản lý vận hành bốn nhà máy điện khí (NMĐK) gồm Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2 với tổng công suất 2.700 MW. Ngoài ra, PVN và các đơn vị thành viên cũng đang triển khai đầu tư xây dựng các dự án NMĐK Nhơn Trạch 3&4 (2×750 MW), Miền Trung I&II (2×750 MW), Ô Môn III (1050 MW), Ô Môn IV (1050 MW). Nhận thức được rằng là một trong những tập đoàn nhà nước hàng đầu, PVN cần chủ động tham gia vào lộ trình chuyển dịch năng lượng góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực hoạt động, trong đó có lĩnh vực phát điện theo định hướng của Chính phủ và nhiệm vụ được giao. PVN đã giao cho Trung tâm Tư vấn Nhiệt điện – Điện hạt nhân (Viện Năng lượng) thực hiện đề án “Nghiên cứu giải pháp đốt kèm Hydrogen trong các nhà máy nhiệt điện khí của PVN” với các mục tiêu chính: Đánh giá hiện trạng vận hành của các NMNĐ khí của PVN; Nghiên cứu và đề xuất giải pháp công nghệ đốt kèm Hydro cho các NMNĐ khí của PVN; Đề xuất lộ trình thực hiện đảm bảo hiệu quả kinh tế, môi trường, phù hợp với thực tiễn điều kiện của Việt Nam; Đề xuất các chính sánh, cơ chế hỗ trợ trong lộ trình chuyển đổi nhiên liệu.

   Hội thảo khoa học lần 2 và nghiệm thu cấp cơ sở đề tài “Nghiên cứu và đề xuất lộ trình phát triển nền kinh tế H2 tại Việt Nam” tại Viện Năng lượng tháng 11 năm 2024

   Để thực hiện đề án “Nghiên cứu giải pháp đốt kèm Hydrogen trong các NMNĐ khí của PVN” các nội dung sau sẽ được nghiên cứu: Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng vận hành của các NMNĐ khí của PVN (hiệu quả kinh tế, các thông số kỹ thuật vận hành, tiêu hao nhiên liệu…); Đánh giá tiềm năng, khả năng cung cấp năng lượng hydrogen xanh của Việt Nam; Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng công nghệ và chuỗi cung ứng đối với công nghệ đốt kèm nhiên liệu hydrogen trong các NMNĐ khí trên thế giới; Phân tích giải pháp đốt kèm (thông số kỹ thuật vận hành, các chi phí đầu tư/cải hoán hệ thống hạ tầng nhà máy, hiệu quả kinh tế, chuỗi cung ứng nhiên liệu… đang triển khai ở các NMNĐ khí trên thế giới; thực tế áp dụng tại các trung tâm nghiên cứu, nhà máy trên thế giới. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ/các tổ chức trên thế giới trong việc thực hiện đốt kèm; Nghiên cứu, đánh giá các quy định của Chính phủ, các hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đối với việc triển khai đốt kèm hydrogen trong các NMNĐ khí; Tính toán, đánh giá được việc triển khai thực tế nếu áp dụng cụ thể việc đốt kèm hydrogen tại từng NMNĐ khí của PVN (quy mô đầu tư, hiệu quả kinh tế, các thông số kỹ thuật, chuỗi cung ứng nhiên liệu…); Nghiên cứu và đề xuất được các giải pháp, lộ trình thực hiện đối với các nhà máy điện khí của PVN (theo thứ tự ưu tiên).

   Trong quá trình thực hiện đề án, Viện Năng lượng sẽ phối hợp với Ban liên quan của PVN, PV Power, các nhà máy Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1& 2, và các nhà máy liên quan khác.

   Kết quả nghiên cứu của đề án sẽ được chuyển giao cho PVN làm cơ sở để PVN xây dựng định hướng, lộ trình chuyển đổi nhiên liệu đốt kèm hydrogen tại các NMNĐ khí của PVN. 

                                                                                                            ThS. Nguyễn Văn Thạo
                                                           Trưởng phòng Công nghệ – Trung tâm Nhiệt điện và Điện hạt nhân

 

Facebook
Twitter
LinkedIn