Vũ Thanh Hải( 1), Nguyễn Hữu Kiên(1), Phạm Hùng(1), Trương Khánh Điệp(1), Mai Văn Tài(1); Nguyễn Khánh Vinh(1) ; Nguyễn Đức Hạnh(2), Lê Việt Cường(2); Ngô Minh Thành(3).
(1)Phòng Thí nghiệm trọng điểm Điện cao áp – Viện Năng lượng; (2)Viện Năng lượng (3)Công ty truyền tải Điện 1 – Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia.
Tóm tắt:
Bài báo giới thiệu hệ thống quan trắc giám sát và cảnh báo dông sét theo thời gian thực được lắp đặt trên lãnh thổ Việt Nam. Hệ thống được xây dựng nhằm theo dõi các hoạt động dông sét với độ chính xác cao, giúp các đơn vị quản lý định vị, xử lý nhanh chóng các sự cố do sét. Bài báo phân tích, đánh giá tiềm năng và hiệu quả của hệ thống trong việc giúp các các đơn vị điều độ lưới truyền tải xử lý nhanh chóng các sự cố do sét (mà trước đó chỉ có thể phỏng đoán) và xây dựng các biện pháp phòng ngừa một cách tối ưu, giảm số giờ cắt điện do sự cố dông sét lưới điện truyền tải của Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT).
Từ khóa:
CG (Mây Đất), EVNNPT (Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia), GPS (Hệ thống định vị toàn cầu), IC (tia sét trong mây), LLS (Hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo dông sét), MDF (Định hướng từ), PTC1 (Công ty truyền tải Điện 1, TOA (Thời gian tới), VLF/LF (Tần số rất thấp/Tần số thấp) .
Abstract:
This article introduces a real-time thunderstorm monitoring and warning system installed in Vietnam. The system was built to monitor lightning activities with high accuracy, helping Power Transmission System Operators (TSO) locate and quickly handle lightning incidents. The article analyzes and evaluates the potential and effectiveness of the system in helping TSO and transmission grid dispatching units quickly handle lightning incidents and implement the solutions in order to reducing the number of hours of power cuts due to lightning incidents in the transmission grid of the National Power Transmission Corporation (EVNNPT).
Key word:
CG (Cloud-to-Ground), EVNNPT (National Power Transmission Corporation), GPS (Global Positioning System), IC (lightning in the clouds), LLS (Thunderstorm observation, surveillance and warning system), MDF (Magnetic Orientation), PTC1 (Power Transmission Company 1, TOA (Time of Arrival), VLF/LF (Very Low Frequency/Low Frequency) .
1. Đặt vấn đề
Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á, một trong ba tâm dông trên thế giới và là khu vực có mật độ phóng điện sét rất cao [1]. Trung bình hàng năm ở Việt Nam có khoảng 2 triệu cú sét đánh xuống đất. Mùa dông sét thường kéo dài, từ tháng 4 đến tháng 10, tháng cao điểm tùy thuộc vào từng khu vực. Dông sét ở Việt Nam có độ chênh lệch khá lớn về mức độ theo các vùng. Có nơi có số giờ dông nhỏ như Phan Rang, chỉ đạt 55 giờ/năm; nhưng lại có nơi đạt số giờ dông tới 544 giờ/năm như tại Móng Cái [2]. Thiệt hại do sét gây ra cho hệ thống điện của nước ta khá nghiêm trọng. Có thể nói rằng hiện tượng phóng điện sét – đặc biệt là những cú sét dạng mây – đất CG (Cloud to Ground) – là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự cố hệ thống điện.
Để bảo vệ lưới điện, cần phải tiếp cận một giải pháp chủ động phòng chống sét dựa trên cơ sở hệ thống phát hiện, cảnh báo và giám sát dông sét có độ tin cậy cao nhằm đưa ra các biện pháp ngăn ngừa những nguy cơ tiềm năng và giảm thiểu sự cố do sét [3]. Nội dung nghiên cứu này phân tích và đề xuất giải pháp cho hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo dông sét trên cơ sở các phương pháp phát hiện và định vị sét hiện hành với mục tiêu phục vụ công tác vận hành an toàn và hiệu quả lưới điện truyền tải Việt Nam. Trên cơ sở vận hành hệ thống đã được thiết lập, nghiên cứu này cũng sẽ phân tích đánh giá một số kết quả thu nhận ban đầu của hệ thống tại lưới truyền tải thuộc Công ty truyền tải điện 1 – Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia EVNNPT.