Hội thảo lần 1 Quy hoạch Điện VIII

Ngày 08 tháng 7 năm 2020, tại Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, Viện Năng lượng đã phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo lần thứ nhất Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII). 

Tham dự Hội thảo có đại diện các Vụ chuyên ngành của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Ban chỉ đạo Quy hoạch điện quốc gia, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước; Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), các Tổng Công ty Phát điện 1, 2, 3 (GENCO 1,2,3); Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Điện lực; các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực điện, năng lượng; đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức hỗ trợ phát triển Đức (GIZ), Cơ quan hỗ trợ phát triển Mỹ (USAID), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD), Cục Năng lượng Đan Mạch, Đại sứ quán Phần Lan, Nhóm Đối tác Năng lượng (VEPG), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP),…và đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông như Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, ….
Viện Năng lượng – Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì lập Quy hoạch điện VIII. Đây là hội thảo rất quan trọng, trình bày các kết quả nghiên cứu đầu tiên của Quy hoạch điện quốc gia về dự báo nhu cầu tiêu thụ điện từ nay đến 2045 và chương trình phát triển nguồn điện tương ứng với các kịch bản tăng trưởng kinh tế – xã hội và các mục tiêu tích hợp nguồn năng lượng tái tạo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, Quy hoạch điện VIII được thực hiện với quan điểm, mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là phải đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội trong mọi hoàn cảnh. Quan điểm này đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, “điện đi trước một bước”,….. Việc xây dựng Quy hoạch điện VIII phải được xây dựng trên 3 quan điểm lớn, đó là phải đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ; phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo và hạn chế phát triển nhiện điện than gắn với khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện.
Chỉ ra những khác biệt trong Quy hoạch điện VIII so với Quy hoạch điện VII, riêng đối với nguồn điện năng lượng tái tạo, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, đối với nguồn năng lượng tái tạo sẽ không quá chú trọng về cơ chế giá điện cố định. “Các nhà đầu tư không chỉ cần khuyến khích về giá mà cần có những cơ chế rõ ràng hơn, minh bạch hơn trong việc lựa chọn các nhà đầu tư. Vì vậy, trong tương lai gần sẽ thực hiện cơ chế đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án năng lượng tái tạo”.

Ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương – đơn vị chủ trì xây dựng Quy hoạch điện VIII phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết, tăng trưởng điện ở mức 2 con số kéo dài trong suốt nhiều năm qua, với trung bình giai đoạn 2011-2020 thực hiện Quy hoạch điện VII khoảng 10%/năm. Theo dự báo, tăng trưởng điện sẽ đạt trung bình khoảng 8%/năm trong giai đoạn 2020-2030 và khoảng 4%/năm trong giai đoạn 2030-2045. Ông Trần Kỳ Phúc cũng chỉ ra, có ít nhất 3 điểm đáng lưu ý, có thể coi là những khó khăn trong việc lập Quy hoạch điện VIII.
Một là, quy hoạch điện lần này được lập theo quy định của Luật Quy hoạch mới, có hiệu lực từ năm 2019, thuộc nhóm quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng quốc gia và một số quy định có khác so với trước. Danh mục phê duyệt chỉ gồm những dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện lực và thứ tự ưu tiên thực hiện nên nhà quy hoạch phải chủ động xây dựng tiêu chí, luận chứng, quy mô và thứ tự ưu tiên các dự án này.
Hai là, Quy hoạch điện VIII được lập trong điều kiện một số Chiến lược và quy hoạch nền tảng chưa được lập hoặc nếu có được lập thì cũng chưa được phê duyệt. Riêng Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 cũng được triển khai song song với Quy hoạch điện VIII.
Ba là, có nhiều yếu tố kinh tế – kỹ thuật khá bất định, đơn cử như đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành ở nhiều nước, kể cả các nước tiên tiến trên thế giới, rình rập tác động đến Việt Nam và có ảnh hưởng tiêu cực cả phía cung lẫn phía cầu của hệ thống năng lượng nói chung và hệ thống điện nói riêng. Dự báo phụ tải điện với tầm nhìn 5-10 năm và xa hơn nữa vì thế gặp khó khăn nhất định.
Ngoài ra, sự bùng nổ trong đăng ký đầu tư các dự án nguồn điện từ năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió, …đòi hỏi cách tiếp cận phù hợp hơn trong quy hoạch – thiết kế, đầu tư và vận hành hệ thống điện, cần có cơ chế chính sách sáng suốt, minh bạch, khách quan khoa học, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo.
Với truyền thống, kinh nghiệm lập hầu hết các Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trước đây (Quy hoạch IV, V, VI, VII, VII điều chỉnh), Viện Năng lượng đã, đang và sẽ nỗ lực tập trung lực lượng tinh hoa nhất, tinh túy nhất để hoàn thành tốt Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ban biên tập

Facebook
Twitter
LinkedIn