Hội thảo: Đánh giá tổng thể ảnh hưởng đến môi trường từ các hoạt động của các nhà máy thủy điện khu vực miền Trung -Tây Nguyên, đề xuất giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường

Nguyễn Thị Thu Huyền, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương

Khu vực Miền Trung và Tây Nguyên được đánh giá là vùng có tiềm năng thủy điện đứng thứ hai sau Miền Bắc, nhưng lại là khu vực tập trung nhiều nhà máy thủy điện nhất cả nước.

Khoảng chục năm trở lại đây, phong trào đầu tư xây dựng thủy điện ồ ạt, dẫn đến sự xuất hiện dày đặc hệ thống thủy điện ở Khu vực Miền Trung và Tây Nguyên gây thiệt hại đáng kể về môi trường và kinh tế xã hội trong thời gian qua. Mặc dù đã có các công trình nghiên cứu tác động của các dự án thủy điện trên một lưu vực sông nhưng chưa đưa ra được những tác động điển hình, mang tính đại diện cho cả Vùng Kinh tế hoặc cả lưu vực. Hơn nữa, với các nhà máy thủy điện đã đi vào vận hành chưa có một nghiên cứu đánh giá tác động nào được thực hiện để đánh giá hiệu quả và những vấn đề môi trường phát sinh bởi nhà máy. Xuất phát từ thực tế cần biết rõ những tác động môi trường đang nảy sinh ở khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, Nhiệm vụ “Đánh giá tác động tổng thể ảnh hưởng đến môi trường từ các hoạt động của các nhà máy thủy điện khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, đề xuất giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường” đã thực hiện điều tra, đánh giá thực trạng của các nhà máy và lưu vực sông ở khu vực này. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường nhằm đạt được mục tiêu phát triển thủy điện bền vững trong tương lai.
1. Phạm vi và phương pháp thực hiện nhiệm vụ
Phạm vi nghiên cứu là “Khu vực Miền Trung và Tây Nguyên” và đối tượng nghiên cứu là “Các dự án thủy điện đang hoạt động”, trong đó chọn ra 10 đối tượng nghiên cứu điển hình có những đặc điểm nổi bật về các tác động môi trường và đại diện cho các lưu vực và vùng địa trí địa lý từ Bắc vào Nam.
Phương pháp luận được lựa chọn cho nhiệm vụ là phương pháp khảo sát tại văn phòng và khảo sát thực tế hoạt động của các nhà máy để nhận định và đánh giá. Sau đó thực hiện tham vấn các bên liên quan để nhận định và phân tích sâu nguyên nhân của từng vấn đề đang diễn ra tại nhà máy thủy điện và các lưu vực thuộc khu vực Miền Trung – Tây Nguyên. Từ đó dự báo xu thế của những vấn đề môi trường của từng nhà máy và của cả lưu vực để đề xuất biện pháp giảm thiểu phù hợp.

2. Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ
2.1. Các vấn đề môi trường của các nhà máy thủy điện
Những tác động môi trường điển hình từ các nhà máy thủy điện đã được nhận biết và đánh giá tập trung vào những vấn đề sau:

– Ngập lụt và xói lở bờ sông do thay đổi chế độ nước hạ lưu và vận hành xả không đúng quy trình.

– Hạn hán và suy giảm chất lượng nước hạ lưu do lưu lượng xả của các nhà máy phụ thuộc vào chế độ vận hành nhà máy, hơn nữa hầu hết các nhà máy không có cửa xả đáy để có thể xả trong trường hợp mực nước hồ thấp dưới mực nước chết.

– Suy giảm dòng chảy bùn cát ở hạ du do công trình không có thiết kế cống xả đáy làm thiếu hụt lượng phù xa bổ sung độ màu cho đất nông nghiệp hạ lưu, cát sạn sỏi, thêm vào đó là hiện tượng khai thác cát đang diễn ra khó kiểm soát làm ảnh hưởng hình thái sông và sinh kế của người dân sống dựa vào tài nguyên này.

– Suy giảm tài nguyên sinh học nhất là rừng. Mất rừng và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học với hơn 1500 ha rừng ngập trong lòng hồ cùng toàn bộ diện tích đất sản xuất của khu vực này bị mất, thêm vào đó nạn chặt phá rừng ngày càng gia tăng mạnh do khai thác gỗ và người dân không có đất sản xuất. Rừng phòng hộ đầu nguồn bị lâm tặc chặt phá do lợi dụng địa thế, đường thủy trên lòng hồ và thực vật chết dần vì ngập nước làm cho tốc độ suy giảm tài nguyên rừng quá nhanh ở khu vực xung quanh dự án kéo theo đó là suy giảm đa dạng sinh học. Hậu quả có thể thấy được đó là hiện tượng rửa trôi, xói mòn đất xung quanh gây bồi lắng lòng hồ làm giảm dung tích lòng hồ do, làm ảnh hưởng đến khả năng cắt lũ.

– Vấn đề liên quan đến đền bù di dân tái định cư và an sinh xã hội.

– Các rủi ro và sự cố môi trường như vỡ đập, động đất.

2.2. Các vấn đề môi trường của lưu vực
Các vấn đề môi trường ở phạm vi rộng, dài hạn và khó dự báo hơn là các vấn đề môi trường tích lũy mang tính lưu vực. Các vấn đề này có mức độ tác động lớn hơn và khó giải quyết hơn do các tác động từ chuỗi các nhà máy thủy điện gây ra một chuỗi những tác động đơn lẻ được tích hợp lại, trong quá trình thi công xây dựng và hoạt động.
a. Mất rừng phòng hộ đầu nguồn và suy giảm đa dạng sinh học
Việc phá rừng đầu nguồn, trong đó có cả những khu vực vườn quốc gia, khu bảo tồn, để xây các công trình của nhà máy thủy điện đã làm mất rất nhiều diện tích rừng, mất đi tính đa dạng sinh học trong khu vực, trong khi việc trồng bù rừng lại không được thực hiện đầy đủ vì hầu hết các công trình đã không bố trí được hoặc bố trí không đủ quỹ đất trồng rừng nhằm bù lại diện tích rừng đã mất.
Trước đây các đối tượng khai thác trái phép khó mà xâm nhập được vào các rừng đầu nguồn vì địa hình hiểm trở, nhưng sau khi có các con đường công vụ thi công thủy điện tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển gỗ trái phép khiến cho tình hình khai thác gỗ trái phép diễn ra phức tạp. Mất rừng do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ở các tỉnh Tây Nguyên quy hoạch rất nhiều diện tích dành cho trồng cây nguyên liệu, cao su, cà phê ở các vùng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, đặc dụng, dẫn đến rất nhiều diện tích rừng bị tàn phá … Tỉnh Gia Lai lại cho phép nhiều doanh nghiệp chuyển đổi rừng trồng cao su giáp ranh khu BTTN Ea Sô, mở đường cho lâm tặc tấn công khu bảo tồn. Chưa kể tình trạng bất ổn trong cộng đồng người dân tái định cư đã “buộc” họ phá rừng để lấy đất sản xuất như đã được dẫn chứng ở kết quả khảo sát.
Bên cạnh đó, việc xả nước không thường xuyên không đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho khu vực hạ du đã khiến cho các hệ sinh thái nước và ven sông ở khu vực sau đập thủy điện bị suy giảm. Các đập ngăn dòng, không có kênh dẫn cho các loài cá di cư đã làm giảm tính đa dạng sinh học trong vùng, đặc biệt là những loài quý hiếm hoặc đặc hữu có tính thương phẩm cao làm giảm thu nhập của người dân trong vùng.
b. Hạn hán, sa mạc hóa hạ du và nhiễm mặn
Việc lấy nước bất hợp lý, không tuân thủ chế độ xả tối thiểu và không xem xét tính toán đến dòng chảy môi trường về hạ du của các NMTĐ trên các hệ thống sông đã gây ra những tác động: (1) Thiếu nước sản xuất nông nghiệp ở hạ du do không đủ nước cho các công trình thủy lợi, đặc biệt là các trạm bơm làm cho đất bị bạc màu, giảm năng suất cây trồng; (2) Nguy cơ sa mạc hóa hạ lưu, do việc tích nước của các hồ chứa đã dẫn đến hình thành các đoạn sông chết sau đập, nhiều diện tích đất nông nghiệp không đủ nước tưới gây khô hạn và sa mạc hóa; (3) Xói mòn và sạt lở bờ sông; (4) Vấn đề nhiễm mặn.
Như vậy, các điều kiện về vận hành nhà máy, đặc biệt là loại nhà máy đường dẫn sau đập cần phải được quy định để giảm tác động tiêu cực về dòng chảy mùa kiệt và yêu cầu bảo vệ rừng trở nên cấp thiết và bắt buộc đối với các lưu vực sông.
c. Úng ngập vào mùa lũ
Chế độ vận hành của các nhà máy thủy điện và cơ chế lấy nước của các nhà máy, đặc biệt là các nhà máy loại chuyển dòng sang lưu vực khác sẽ gây ra hiện tượng ngập lụt bất thường ở lưu vực tiếp nhận, nhiều diện tích đất bị ngập sâu trong nước, nhiều khu vực ven sông bị sạt lở phá hủy các công trình giao thông, công trình thủy lợi gặm dần các bãi bồi màu mỡ ven sông, mất mùa do chưa kịp thu hoạch, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân.
d. Vấn đề ổn định cuộc sống của người dân tái định cư, đặc trưng văn hóa và cơ sở hạ tầng
Với 10 dự án nghiên cứu, kết quả khảo sát cho thấy hầu hết các khu tái định canh và định cư này đều tồn tại nhiều vấn đề như kéo dài thời gian đền bù di dân, khu tái định canh và định cư được xây dựng nhưng chất lượng không đảm bảo, không phù hợp với phong tục tập quán và đồng bộ về cơ sở hạ tầng nên người dân không ổn định được đời sống. Hầu hết đất tái định canh chất lượng không đảm bảo và vấn đề đền bù giải quyết không thỏa đáng nên hầu hết người dân các khu tái định cư đang có xu hướng “tái nghèo” ngoại trừ dự án Sêrêpôk 4.
Tuy nhiên, xét tổng thể cho thấy mặc dù 24 nhà máy thủy điện lớn ở khu vực đã làm mất đi hơn 44.651 ha đất nông nghiệp ở các địa phương nhưng về sản lượng nông nghiệp, loại cây lương thực có hạt cho thấy có xu hướng tăng lên. Năm 2004, sản lượng nông nghiệp có hạt ở các tỉnh trong khu vực chỉ đạt 2.216 nghìn tấn nhưng đến năm 2011 đã đạt 3.586 nghìn tấn tăng 83%. Như vậy, có thể nói các hồ thủy điện đã góp phần điều tiết nước tốt cho sản xuất nông nghiệp của các địa phương.
e. Các sự cố và rủi ro môi trường
Các rủi ro và sự cố môi trường xảy ra ở tất cả các giai đoạn từ thi công đến vận hành, các sự cố như hạn hán và lũ lụt đã được phân tích ở phần trên cho thấy nguy cơ tác động lớn và mức độ xảy ra khá phổ biến ở các thủy điện. Những rủi ro được đề cập ở đây là các sự cố như vỡ đập, sập hầm, động đất kích thích…. Qua nghiên cứu cho thấy, nguy cơ xói mòn, rửa trôi và trượt lở đất có xu hướng gia tăng trên các lưu vực sông đặc biệt là xung quanh hồ thủy điện nơi lớp phủ thực vật bị chặt bỏ và độ ổn định bề mặt đất trở nên kém đi sau giai đoạn thi công.
3. Đề xuất và kiến nghị các giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường
Từ những vấn đề môi trường đã phân tích ở trên, một số đề xuất và kiến nghị phù hợp cho các vấn đề nêu trên đối với các cơ quan quản lý gồm Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên Môi trường, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, các Chủ đầu tư.
Kết luận
Qua nghiên cứu, nhiều vấn đề về môi trường – xã hội, sự cố và rủi ro xuất phát từ công tác quản lý, vận hành các nhà máy thủy điện và phần lớn tập trung vào các vấn đề xã hội, đặc biệt là việc ổn định đời sống người dân sau khi di dời. Đây là nguyên nhân của nhiều vấn đề môi trường khác phát sinh khi mà hầu hết người dân bị di dời có cuộc sống khác với điều kiện sống của họ trước đây, kinh tế và thu nhập của họ bấp bênh không ổn định, nơi ở và điều kiện canh tác khác biệt và đối với nhiều đồng bào dân tộc, giảm điều kiện và cơ hội tiếp cận khai thác tài nguyên thiên nhiên cho cuộc sống hàng ngày như nguồn cá sông, sản vật rừng. Vì vậy, ngoài việc tăng cường công tác quản lý và kiểm soát như đã được kiến nghị thì vấn đề giải quyết việc làm, ổn định đời sống người dân mất đất canh tác và hỗ trợ người lao động sẽ phải được chính quyền địa phương và chủ đầu tư đặc biệt quan tâm trong thời gian tới. Đây là một trong những mục tiêu để đạt được phát triển thủy điện bền vững.

Facebook
Twitter
LinkedIn