ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương
Trưởng nhóm nghiên cứu trong nước
Ngày 13/12/2021, tại Trụ sở văn phòng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã diễn ra Hội thảo theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến công bố kết quả nghiên cứu của Viện Năng lượng, Bộ Công Thương và UNDP hợp tác thực hiện về Giải pháp cuối vòng đời của Hệ thống điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam.
Tại Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Viện Năng lượng và nhóm chuyên gia thực hiện, đại diện Lãnh đạo UNDP và nhóm cán bộ chương trình, đại diện Cục Kỹ thuật An Toàn và Môi trường Công nghiệp của Bộ Công Thương, tư vấn nước ngoài.
Tham gia Hội thảo qua hình thức trực tuyến có khoảng hơn 80 đại biểu từ các cơ quan nghiên cứu như Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và Môi trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương, các trường đại học; các đơn vị quản lý như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục An toàn và môi trường Công nghiệp của Bộ Công Thương, Cục Biến đổi khí hậu và Tổng cục Môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài Nguyên & Môi trường, Sở Công Thương các tỉnh đã được khảo sát; các Chủ đầu tư và nhà máy điện gió, điện mặt trời; các đơn vị xử lý chất thải; các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam như GIZ, WWF, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), JICA, KOICA, UNIDO, USAID, IUCN, SNV, GreenHub, World Vision, EU, PV cycle, WELLE; các Đại sứ quán như Na Uy, Hà Lan, Phần Lan, Đức,…; các hiệp hội như Hội Kinh tế tuần hoàn, Hiệp hội Nhựa, Hiệp hội Zero chất thải, Câu lạc bộ kinh tế tuần hoàn, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và nhiều đơn vị khác.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia năng lượng trong và ngoài nước theo hình thức trực tiếp và trực tuyến
Dẫn lời phát biểu mở đầu hội thảo của đại diện Viện Năng lượng, Bộ Công Thương và Phó đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, ngài Patrick Haverman, “chúng ta đều biết, Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn đầu phát triển mạnh các nguồn điện mặt trời, điện gió. Mối quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư và bên liên quan khác hầu hết mới tập trung vào giai đoạn phát triển dự án, đầu tư và quản lý vận hành. Tuy nhiên, sẽ rất nhanh chóng các vấn đề liên quan đến quản lý, xử lý chất thải rắn từ các loại hình nhà máy điện (NMĐ) này, đặc biệt khi kết thúc đời sống kinh tế của các dự án, sẽ trở nên rõ ràng, cấp thiết và đòi hỏi phải được giải quyết một cách bài bản và triệt để. Từ góc độ một cơ quan nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương về cơ chế, chính sách và quy hoạch phát triển năng lượng và điện lực của Việt Nam, Viện Năng lượng đánh giá cao sáng kiến của Chương trình phát triển Liên hợp quốc về thực hiện nghiên cứu Giải pháp cuối vòng đời cho các NMĐ mặt trời, điện gió tại VN”.
Hội thảo diễn ra trong 3 giờ liên tục với các bài trình bày kết quả nghiên cứu của Viện Năng lượng và các chuyên gia quốc tế, các bài tham luận. Cuối cùng là phiên thảo luận với rất nhiều câu hỏi và những vấn đề quan tâm mà các bên tham gia nêu ra tại hội thảo.
Với kết quả nghiên cứu trong hơn một năm qua của nhóm chuyên gia Viện Năng lượng và quốc tế cho thấy, dòng vật chất để tạo thành PV và WP gồm nhiều loại khác nhau, trong đó có nhiều thành phần quý hiếm và có cả thành phần có hại. Quy định về quản lý, phân loại các chất thải NMĐ gió, mặt trời cũng rất khác nhau ở các quốc gia, chỉ có EU là có quy định thống nhất về quản lý dạng chất thải này. Cơ sở hạ tầng và công nghệ xử lý chất thải cuối vòng đời dự án hầu như mới ở giai đoạn đầu, quy mô còn hạn chế ở phòng thí nghiệm hoặc dự án thí điểm, giá thành đắt. Kết quả nghiên cứu đã phân tích rõ bối cảnh, triển vọng và những khó khăn trong việc triển khai việc quản lý cuối vòng đời dòng chất thải của các dự án NMĐ gió, mặt trời tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp và lộ trình áp dụng các giải pháp đó một cách chủ động và có chuẩn bị trong thời gian tới.
Thành công của Hội thảo được ghi nhận với rất nhiều lời cảm ơn và sự quan tâm của các bên tham gia mong muốn được chia sẻ kết quả nghiên cứu này. Từ góc độ chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như ở mức kế hoạch, hành động ở phía các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đây là lĩnh vực mà Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm. Do đó, kết quả hợp tác nghiên cứu này mới là bước khởi đầu cho nhiều nghiên cứu, hợp tác tiếp theo giữa Viện Năng lượng với UNDP và các đối tác khác về vấn đề này trong tương lai.