Giảm thiểu tác động bất lợi với môi trường trong quy hoạch phát triển điện quốc gia

Đó là ý kiến của các chuyên gia năng lượng tại Hội thảo Ban đầu về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8) do Viện Năng lượng tổ chức, sáng 11/8, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đoàn Ngọc Dương – Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết: Tiếp nối hội thảo về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8) lần 1, tại hội thảo lần này, viện tổ chức nhằm thảo luận, tiếp thu ý kiến của các đơn vị, chuyên gia, trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện 8 và ĐMC.
Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) là một trong những hoạt động quốc gia có tầm quan trọng về điện lực, với mục tiêu nhằm đưa ra một chương trình phát triển lưới điện cho giai đoạn 10 năm tới, tầm nhìn 2045. Từ đó là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý các hoạt động cũng như nhằm thu hút các nhà đầu tư trong mọi lĩnh vực kinh tế cùng tham gia sản xuất điện, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế đất nước.

Ông Đoàn Ngọc Dương – Phó Viện trưởng Viện Năng lượng phát biểu tại hội thảo

Trong khi đó, ĐMC là một phần bắt buộc giúp đánh giá những tác động của môi trường từ các phương án phát triển điện lực, từ đó vạch ra phương án tối ưu nhất, giảm thiểu tác động bất lợi với môi trường. Các phương pháp sẽ được so sánh, đánh giá dựa trên các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Trình bày thêm về các phương pháp đánh giá tác động đối với các vấn đề môi trường cốt lõi trong báo cáo ĐMC của QHĐ8, ông Nguyễn Thế Thắng – đại diện Viện Năng lượng cho biết thêm: “QHĐ8 diễn ra vào thời điểm ngành điện Việt Nam có nhiều thay đổi nhanh chóng. Những thách thức đối với QHĐ8 bao gồm sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng trong nước, vượt qua được rào cản về hiệu quả năng lượng, đánh giá được tiềm năng của năng lượng tái tạo cũng như giảm nhẹ biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí và huy động tài chính trong khu vực tư nhân”.
Các vấn đề môi trường cốt lõi đã được Viện Năng lượng xây dựng, thảo luận, với việc xác định một loạt các chỉ số cho ĐMC. Bên cạnh đó, báo cáo của ĐMC cũng đưa ra những lĩnh vực cần đổi mới để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như chi phí carbon tính cho phát thải khí nhà kính, đặc biệt từ nhiệt điện. Song song với đó là vấn đề ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người. Ảnh hưởng của việc phát triển nhanh năng lượng tái tạo (đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời) đến tài nguyên đất.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia năng lượng trong và ngoài nước

Theo các chuyên gia, việc đánh giá tác động phải dựa trên các nghiên cứu thực tiễn để đưa ra các kịch bản phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay việc thiếu dữ liệu ở Việt Nam là một thách thức. Do đó, cần xem xét đến các các giá trị dựa trên các hệ số của quốc tế để áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Nhấn mạnh thêm, bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Đại điện Phòng môi trường và phát triển bền vững cho hay, việc phân tích đánh giá ĐMC dựa trên việc lấy ý kiến đóng góp về phương pháp luận thực hiện, và các chỉ số đánh giá các tác động môi trường. Xác định mục tiêu quốc gia phải tuân thủ và các tác động cần phải tránh và giảm thiểu trong quá trình xây dựng QHĐ8. Xem xét, đánh giá các kịch bản điện và đề xuất lựa chọn kịch bản tối ưu. Đánh giá, dự báo các tác động đến môi trường, xã hội, tài nguyên quốc gia của kịch bản phát triển QHĐ VIII chọn.
Với mục tiêu hướng đến (như tại NQ55_NQ/TW có nêu) phát triển năng lượng tái tạo phải chiếm tỷ lệ trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20% năm 2030 và 25-30% năm 2045, tương ứng tỷ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất tương đương 30% năm 2030 và 40% năm 2045.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Đại điện Phòng môi trường và phát triển bền vững cho hay, việc phân tích đánh giá ĐMC dựa trên việc lấy ý kiến đóng góp về phương pháp luận thực hiện, và chỉ số đánh giá các tác động tới môi trường

Ngoài ra, bà Huyền cũng cho biết thêm, từ quá trình nghiên cứu, đánh giá của ĐMC cho thấy vẫn còn những vấn đề cần lưu ý khi lập QHĐ8 như sự gia tăng số lượng dự án điện từ rác thải do nhu cầu cấp bách về xử lý chất thải rắn đô thị và công nghiệp trên cả nước hiện nay, nhưng hiện các dự án đang gặp phải khó khăn trong việc chốn lấp tro xỉ thải.
Bên cạnh đó, áp lực về tiến độ các dự án ngày càng cao, các quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên quốc gia, năng lực không đồng đều của các nhà thầu, thủ tục phê duyệt kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ chung dự án. Do đó, cần có cơ chế, định hướng rõ ràng trong tương lai, đặc biệt là phát triển điện mái nhà sẽ đem lại lợi ích cho nhiều bên.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng trình bày các định hướng lớn về chương trình phát triển nguồn như tuân thủ các chính sách hiện hành của nhà nước về mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Hướng đến phát triển thêm quy mô lớn nguồn điện gió, mặt trời với mục tiêu, công suất nguồn điện gió gấp hơn 3 lần và điện mặt trời gấp gần 2 lần so với QHĐ7 và không xây dựng thêm nhiệt điện than mới giai đoạn 2026-2030.

Đỗ Nga- Báo công thương

Facebook
Twitter
LinkedIn