Đánh giá tác động môi trường tổng hợp của Trung tâm điện lực Sông Hậu đến môi trường tự nhiên và xã hội

ThS. Trịnh Hoàng Long, ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền, ThS. Nguyễn Ngọc Oánh
Phòng Môi trường và Phát triển bền vững – Viện Năng lượng

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trung tâm Điện lực (TTĐL) Sông Hậu, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, nằm bên bờ sông Hậu thuộc Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A. TTĐL có tổng công suất lắp đặt dự kiến là 5.200MW bao gồm 3 nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1 (1.200MW), Sông Hậu 2 (2.000MW) và Sông Hậu 3 (2.000MW). Hiện tại, TTĐL Sông Hậu sẽ chỉ có 2 NMNĐ được xây dựng trong đó NMNĐ Sông Hậu 1 của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam đã đi vào vận hành chính thức từ tháng 6/2022, NMNĐ Sông Hậu 2 của Tập đoàn Toyo Ink Group Berhad (Malaysia) hiện vẫn đang trong quá trình thu sếp vốn.

Hình 1. Vị trí trung tâm điện lực

Thời điểm các TTĐL được quy hoạch và triển khai xây dựng đã phát sinh nhiều vấn đề về môi trường bao gồm cả các vấn đề xã hội. Trước tình hình đó, Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTWMTTQ) đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam về thực trạng và yêu cầu bảo vệ môi trường của các TTĐL như được nêu trong kết luận tại Văn bản số 107/TB-MTTW-BTT của UBTWMTTQ: “Đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường tiến hành đánh giá tổng hợp tác động tích lũy của các Trung tâm điện lực khi có các nhà máy thành phần đi vào hoạt động…”.
Theo yêu cầu nhiệm vụ, cuối năm 2019 Bộ Công Thương đã giao Viện Năng lượng chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá tác động môi trường tổng hợp của Trung tâm Điện lực Sông Hậu đến môi trường tự nhiên và xã hội”. Nhiệm vụ này sẽ tiếp cận phương pháp đánh giá tác động môi trường tích lũy của các tổ chức quốc tế để nhận biết và so sánh các kết quả dự báo tác động môi trường và xã hội trong các tài liệu đã thực hiện trước đây, tình hình thực tế khu vực dự án với cách tiếp cận khác hơn. Phương pháp luận và kết quả thực hiện được nêu dưới đây.

2. PHƯƠNG PHÁP LUẬN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG TÍCH LŨY
Để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ, nhóm thực hiện đã tham khảo các khái niệm về Đánh giá tác động môi trường tích lũy (Cumulative Impact Assessment) của các tổ chức quốc tế như: (i) Tập đoàn tài chính Quốc tế của Ngân hàng thế giới (International Finance Corporation/World Bank Group – IFC/WB) và (ii) Ủy ban Khoáng sản Úc (Minerals Counsil of Australia). Khái niệm Đánh giá tác động tích lũy [1] được khái quát: là quá trình (a) phân tích các tác động và rủi ro tiềm ẩn của các hoạt động phát triển được đề xuất trong bối cảnh có tác động tiềm tàng của các hoạt động khác của con người và các động lực của môi trường tự nhiên và xã hội bên ngoài tác động đến các Thành phần Môi trường và xã hội quan trọng (VEC – Valued Environmental Components) được lựa chọn theo thời gian, và (b) đề xuất các biện pháp cụ thể để tránh, giảm hoặc giảm thiểu các tác động và rủi ro tích lũy như vậy trong khả năng có thể.
Với khái niệm này, nhiệm vụ yêu cầu thực hiện được các nội dung chính sau:

– Xác định được tất cả các VEC có thể bị ảnh hưởng bởi hoạt động phát triển đang được xem xét của nhiệm vụ là nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, 2 của TTĐL và các hoạt động khác trong vùng lân cận có khả năng ảnh hưởng đến VEC.
– Các VEC được lựa chọn dựa trên kết quả tham vấn của các bên liên quan.
– Xác định tất cả các hoạt động phát triển của TTĐL và hoạt động phát triển gây ra các tác động tiềm ẩn đến môi trường tự nhiên và xã hội có thể ảnh hưởng đến các VEC.
– Đánh giá và/ hoặc dự báo tác động tiềm ẩn của các VEC do các hoạt động hiện tại, các hoạt động/dự án phát triển hiện có và trong kế hoạch thực hiện, kết hợp với các tác động của hoạt động phát triển khác trong vùng dự án.
– Xem xét, đánh giá các Giải pháp tránh và giảm thiểu đang được áp dụng và đề xuất các giải pháp bổ sung phù hợp với phân cấp giảm thiểu tác động của hoạt động phát triển đối với VEC trong suốt vòng đời của dự án.
– Xem xét, đánh giá công tác giám sát và quản lý rủi ro đối với khả năng tồn tại hoặc sự bền vững của VEC trong suốt thời gian hoạt động của dự án hoặc ảnh hưởng của nó, tùy vào thời gian tồn tại của dự án hoặc tác động của dự án đó.
– Xem xét, đánh giá sự tham gia liên tục của các cộng đồng bị ảnh hưởng trong quá trình ra quyết định, lựa chọn VEC, xác định và thực hiện biện pháp giảm thiểu tác động cũng như theo dõi và giám sát.
Với phương pháp tiếp cận thực hiện đánh giá tác động tích lũy được lựa chọn, có thể đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu của nhiệm vụ được giao. Theo đó, các bước thực hiện nhiệm vụ đã được đề xuất và triển khai theo sơ đồ dưới đây:

Hình 2. Sơ đồ khối thực hiện nhiệm vụ

Như vậy, việc xác định các đối tượng quan trọng chịu tác động đồng thời của các nhà máy trong TTĐL và các hoạt động phát triển khác trong vùng lân cận, hay còn gọi là hiện trạng môi trường và điều kiện xã hội khu vực TTĐL và vùng lân cận, là một trong các yêu cầu quan trọng của nhiệm vụ. Các thành phần môi trường và xã hội được đưa vào xem xét, đánh giá và lựa chọn theo sơ đồ dưới đây:


Hình 2 1. Sơ đồ lựa chọn các tác động đánh giá tổng hợp [1]

Dựa trên kết quả tham vấn của các bên liên quan, đối tượng nghiên cứu của nhiệm vụ là các thành phần môi trường và xã hội chính bị tác động bởi hoạt động của các dự án thành phần trong TTĐL được lựa chọn xem xét gồm:
– Tác động do phát thải khí thải từ ống khói của nhà máy;
– Tác động do hoạt động xả nước làm mát;
– Tác động phát sinh trong quá trình lưu chứa, vận chuyển tro xỉ của nhà máy trong TTĐL.
– Các tác động do các hoạt động bên ngoài TTĐL đến các thành phần môi trường và xã hội.
Các tác động tổng hợp, đồng thời của các hoạt động nêu trên, được đưa vào đánh giá để có được một bức tranh đầy đủ nhất về các mức độ tác động đến môi trường tự nhiên và xã hội khu vực dự án và vùng xung quanh.
Để lượng hóa các tác động, các thành phần môi trường và xã hội sẽ được đánh giá và cho điểm theo hệ thống định lượng tác động (Impact Quantitative System – IQS) với các thông số như: Cường độ (M); Phạm vi ảnh hưởng (S); Thời gian hồi phục (R); Tần suất xuất hiện (F); Quy định Pháp luật (L); Chi phí quản lý (C); và Mối quan tâm của cộng đồng (P).
Mức độ tác động tổng thể/tích lũy sẽ được đánh giá và phân loại theo 4 cấp độ như: (i) không đáng kể, (ii) nhỏ, (iii) đáng kể (trung bình), và (iv) nghiêm trọng. Mức độ tác động sẽ được đánh giá dựa trên điểm số được tính theo công thức sau:

Tổng số điểm (TD) = (M+S+R) x F x (L+C+P) = Mức độ tác động tổng thể/tích lũy

còn nữa … xem bài viết đầy đủ file . pdf    baibao – nhiem vu I299

Facebook
Twitter
LinkedIn