Công bố quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia

Ngày 09/8/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị công bố các Quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì và phát biểu tại Hội nghị

Trong các quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Viện Năng lượng là đơn vị tư vấn đứng đầu liên danh thực hiện. Tham dự Hội nghị, về phía Viện Năng lượng có TSKH Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng; ThS Đoàn Ngọc Dương, Phó Viện trưởng và lãnh đạo đơn vị chủ chốt thuộc Viện tham gia thực hiện lập Quy hoạch.

Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1743/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2019. Với trách nhiệm đứng đầu liên danh tư vấn, ngay sau khi nhận nhiệm vụ được giao Viện Năng lượng đã tập trung tối đa các nguồn lực, huy động đội ngũ chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm, thu thập xử lý thông tin, dữ liệu, sử dụng các công cụ tính toán tiên tiến, hiện đại để xây dựng các kịch bản quy hoạch tối ưu đáp ứng nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế.

Trong quá trình lập Quy hoạch, Viện Năng lượng đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, phối hợp và tham vấn chặt chẽ với các địa phương, cơ quan, viện nghiên cứu, nhà khoa học. Quy hoạch được xây dựng phản ánh xu thế chuyển dịch năng lượng của nền kinh tế, góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Có thể nói, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được xây dựng bài bản, khoa học, công phu và là thành quả trí tuệ tập thể của tất cả cán bộ, viên chức và người lao động Viện Năng lượng.

Đây là Quy hoạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng hiệu quả hơn, bền vững hơn, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, theo đúng với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế.

Quy hoạch hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng; ứng dụng những thành tựu của phát triển khoa học công nghệ trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Quy hoạch đặt mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030, khoảng 6,5 – 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 – 2050: Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng 107 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 165 – 184 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050. Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp 155 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và 294 -311 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.

Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch đặt ra 6 nhóm giải pháp thực hiện, bao gồm: (1) Giải pháp về huy động và phân bổ vốn đầu tư; (2) Giải pháp về cơ chế, chính sách; (3) Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; (4) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; (5) Giải pháp về hợp tác quốc tế; (6) Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Bộ Công Thương là cơ quan được giao tổ chức công bố quy hoạch theo quy định và triển khai thực hiện quy hoạch gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của pháp luật; xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quy hoạch; tổ chức đánh giá thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Nguyễn Thị May, Chuyên viên Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế

Facebook
Twitter
LinkedIn