Công bố quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050

Chiều ngày 19 tháng 5 năm 2023, tại Trụ sở Bộ Công Thương diễn ra Hội nghị Công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì.

   Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch điện VIII

Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Đặng Hoàng An, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; TSKH. Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Công Thương; các Tập đoàn nhà nước trong lĩnh vực điện lực, năng lượng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc,… Ngoài ra, tham dự Hội nghị còn có đại diện đông đảo các cơ quan báo chí truyền thông trong nước và quốc tế.

TSKH. Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng trình bày một số nội dung cơ bản của Quy hoạch điện VIII

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Viện Năng lượng làm tư vấn, được Bộ Công Thương triển khai theo Nhiệm vụ tại Quyết định số 1264/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt đời sống, kinh tế – xã hội và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước trong thời kỳ tới. Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống Nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ngày 15 tháng 5 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch điện VIII với phạm vi, ranh giới là quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng. Quy hoạch điện VIII đã đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII cũng được giới chuyên môn đánh giá cao là một quy hoạch được thiết kế mang đậm chất chuyển dịch năng lượng – Định hướng chuyển đổi dần nhiên liệu khỏi nhiên liệu hóa thạch từ các nhà máy điện than, điện khí sang biomass, amoniac xanh, hydro xanh,… vào cuối vòng đời công trình, trước năm 2050.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đánh giá quá trình lập Quy hoạch điện VIII gặp rất nhiều khó khăn thách thức như: Sự biến động về tình hình địa chính trị quốc tế; những cam kết, thỏa thuận về phát thải, chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng công bằng; dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế – xã hội đất nước,… Bộ trưởng biểu dương những nỗ lực không mệt mỏi của tập thể Viện Năng lượng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để đến ngày hôm nay, Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở đường cho việc triển khai đầu tư các công trình nguồn, lưới điện và hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ về năng lượng tái tạo, nhằm đáp ứng đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, đồng thời giúp chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh hơn, với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:

PHÒNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ

Facebook
Twitter
LinkedIn