ThS. Bùi Thành Trung, Viện Năng lượng
Viện Năng lượng được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ lập Đề án tổng thể cấp điện cho các thôn, bản và hải đảo chưa có điện giai đoạn đến năm 2020. Đề án đã được các cán bộ, chuyên gia của Viện khẩn trương nghiên cứu tìm hiểu, sử dụng thành thạo, ứng dụng sáng tạo các công cụ tính toán, với tinh thần làm việc cao nhất.
Sau 3 tháng, Đề án đã hoàn thành đảm bảo chất lượng và tiến độ, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 2801/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020”, bao gồm những nội dung chính như sau:
– Mục tiêu của Chương trình là cung cấp điện từ lưới điện Quốc gia cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo; cùng với việc cung cấp điện từ nguồn năng lượng mới và tái tạo, thực hiện mục tiêu đến năm 2015 về cơ bản các xã trên toàn quốc có điện đưa đến trung tâm xã, đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện. Chương trình dự kiến triển khai trên địa bàn 48 tỉnh với tổng số xã được cấp điện là 57 xã; số thôn, bản được cấp điện khoảng 12.140 thôn, bản với khoảng 1.288.900 hộ dân.
– Tổng số vốn đầu tư khoảng 28.809 tỷ đồng trong đó vốn đầu tư cấp điện bằng lưới điện Quốc gia khoảng 27.328 tỷ đồng, vốn đầu tư cấp điện bằng nguồn ngoài lưới điện Quốc gia khoảng 1.481 tỷ đồng. Phân theo nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách Trung ương và vốn ODA khoảng 24.709 tỷ đồng, vốn đốn ứng của chủ đầu tư khoảng 4.100 tỷ đồng.
– Về nguồn vốn đầu tư sử dụng sẽ sử dụng các nguồn vốn sau: Vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), huy động đóng góp của cộng đồng dân cư và các nguồn vốn hợp pháp khác.
– Cơ chế đầu tư: Đối với các dự án cấp điện nông thôn đang triển khai thì tiếp tục thực hiện theo cơ chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các dự án cấp điện từ lưới điện Quốc gia thì vốn ngân sách Trung ương và ODA chiếm 85% vốn đầu tư, chủ đầu tư tự cân đối 15%. Đối với các dự án cấp điện từ nguồn điện ngoài lưới điện Quốc gia nguồn vốn ngân sách Trung uong và vốn ODA chiếm 100% vốn mua sắm và xây lắp, chủ đầu tư tự cân đối phần vốn còn lại.
– Quyết định cũng nêu rõ, Chương trình này được thực hiện từ năm 2013 đến hết năm 2020 qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2013 – 2015, trong đó ưu tiên đầu tư cho các dự án đang triển khai; Các xã chưa có điện; các thôn, bản biên giới, khu vực cần tăng cường về an ninh, chính trị, xã hội; các xã, thôn, bản thuộc các địa phương có tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia thấp hơn mức trung bình chung của cả nước. Giai đoạn 2 từ 2016 – 2020, hoàn thành việc đưa điện đến hầu hết các hộ dân nông thôn trong toàn quốc; Đầu tư phát triển lưới điện để cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào dân tộc tại các xã, thôn, bản chưa có điện có suất đầu tư không quá cao; Đầu tư cấp điện bằng các nguồn điện tại chỗ (nguồn năng lượng tái tạo, trạm nạp ắc quy…) cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn không thể cấp điện từ lưới điện quốc gia hoặc cấp điện từ lưới điện quốc gia có chi phí quá lớn.
Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 được thực hiện nhằm tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi, góp phần cải thiện và thu hẹp dần khoảng cách phát triển trong vùng và giữa các vùng một cách bền vững, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng về xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển kinh tế -xã hội phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.