Ks Nguyễn Hoàng Anh, phòng Kinh tế dự báo và Quản lý nhu cầu năng lượng, Viện Năng lượng
Ngày 9 tháng 5 năm 2017, tại khách sạn Moevenpick Hà Nội, cùng với các đối tác, Viện Năng lượng đã tổ chức thành công Hội thảo kỹ thuật về ứng dụng phần mềm Balmorel xây dựng các kịch bản phát triển nguồn điện và giới thiệu báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam
Hội thảo được tài trợ bởi Đại sứ quán Đan Mạch, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch và có sự tham gia chủ trì của Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương Việt Nam. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch về chia sẻ kinh nghiệm chuyển hóa nền kinh tế sang carbon thấp.
Balmorel là một phần mềm thương mại, phát triển bởi tư vấn quốc tế EA Energy Analysis, được sử dụng để hỗ trợ quy hoạch và vận hành nguồn và lưới điện trong tương lai. Hiện nay ở Việt Nam có hai phần mềm có chức năng tương tự, được Viện Năng lượng sử dụng là STRATEGIST và PDPAD II khi thiết kế quy hoạch tổng sơ đồ điện. Chủ trì hội thảo, ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kế hoạch Tổng cục Năng lượng cho biết, Bộ Công Thương kỳ vọng Balmorel sẽ được đón nhận như công cụ mô hình hóa mới với nhiều tính năng vượt bậc.
Về cơ bản, Balmorel là một mô hình tối ưu hóa chi phí một cách toàn diện cho phần nguồn, lưới truyền tải và điều độ hệ thống. Mô hình này được phát triển lần đầu vào những năm 2000 và liên tục cải tiến cho đến nay. Theo tư vấn EA Energy Analysis, Balmorel có tính linh hoạt cao, như là đánh giá các chính sách mới, bổ xung thêm các công nghệ phát điện và có thể thích ứng với dữ liệu theo khu vực. Balmorel cũng đã được sử dụng cho nhiều dự án ở các vùng lãnh thổ khác nhau, bao gồm cả các quốc gia phát triển như Đan Mạch, Vương quốc Anh và khu vực Bắc Mỹ.
Ở Việt Nam, mô hình Balmorel được giới thiệu lần đầu vào tháng 7 năm 2015, sau đó được phát triển và chuyển giao vào tháng 10 cùng năm. Từ đó đến nay, với sự phối hợp của Viện Năng lượng, Balmorel liên tục được cập nhật, đào tạo và chuyển giao cho một số chuyên gia, cán bộ đến từ Trung tâm Điều độ quốc gia, Cục Điều tiết Điện lực, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Điện lực.
Mô hình này có sự kế thừa kết quả của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia hiệu chỉnh đã được phê duyệt. Tuy nhiên, các chuyên gia đã sử dụng Balmorel để mô phỏng thêm 5 kịch bản phát triển hệ thống điện cho tới 2050, bao gồm Kịch bản Không xây dựng thêm nhà máy điện than từ 2035; Có ràng buộc phát thải CO2; Giá CO2 cơ sở; Giá CO2 cao hơn; và Kịch bản không hạn chế.
Kết quả của nhóm kịch bản trên sẽ là những lựa chọn về chính sách môi trường và tiềm năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện.
Ngoài ra, ông Jorgen Hvid, đại điện Cơ quan Năng lượng Đan Mạch đã giới thiệu thêm về Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam. Dự kiến báo cáo này sẽ được hoàn thành và đệ trình lên Bộ Công Thương trong tháng 9 năm 2017. Cũng theo ông Jorgen, chương trình hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và Đan Mạch sẽ tiếp tục trong nhưng năm kế tiếp, với nhiều hoạt động trong lĩnh vực mô hình hóa, thị trường điện và cải thiện hiệu suất năng lượng trong ngành công nghiệp.