Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035

Nguyễn Hoàng Anh, Phòng Kinh tế dự báo và quản lý nhu cầu năng lượng, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương
Hợp phần 1 của Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035 do Viện Năng lượng thực hiện đã chính thức được Bộ Công Thương phê duyệt.

Theo đề nghị của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 4922/QĐ-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 phê duyệt Hợp phần 1 của Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035.

Lưới điện cao thế tỉnh Vĩnh Phúc đến 2035

Vĩnh Phúc nằm ngay sát Hà Nội, có ngành sản xuất công nghiệp phát triển. Đây là một trong số các tỉnh thành tự chủ được thu chi ngân sách, đồng thời là một trong những tỉnh luôn có đóng góp ngân sách lớn nhất ở miền Bắc sau Hà Nội, Hải Phòng, và Quảng Ninh.
Theo Quy hoạch dự kiến đến năm 2020, Vĩnh Phúc sẽ có 18 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích hơn 5.200 ha, tạo đà cho tăng trưởng GRDP hàng năm ở mức 7,1%/năm.
Hợp phần 1 của Đề án quy hoạch điện lực dự báo đến năm 2025, điện thương phẩm của toàn tỉnh sẽ vượt 6,1 tỷ kWh với mức bình quân đầu người là 5.153 kWh. Đến năm 2035, lượng điện thương phẩm dự báo sẽ đạt hơn 11,3 tỷ kWh với mức bình quân đầu người 8.526 kWh.
Cũng theo hợp phần 1, trong giai đoạn 2016-2025, đề xuất xây mới và cải tạo 3 trạm 220kV với tổng công suất tăng thêm 1.000 MVA, 30 trạm 110 kV với lượng tổng công suất tăng thêm 1.725 MVA; xây dựng mới và cải tạo gần 164,8 km đường dây 220kV và gần 210.1 km đường dây 110kV. Trong giai đoạn 2026-2035, dự kiến xây dựng mới và cải tạo 6 trạm 220kV với tổng công suất tăng thêm 1.500 MVA, 25 trạm 110kV với tổng công suất tăng thêm là 1.468 MVA, gần 40,5 km đường dây 220kV và 46,2 km đường dây 110kV.
Theo nội dung Quy hoạch, UBND tỉnh xem xét kêu gọi đầu tư xây dựng 3 dự án nhà máy điện rác theo công nghệ thiêu đốt tại khu xử lý rác Bình Xuyên, Tam Dương và Lập Thạch với công suất mỗi địa điểm là 5MW.
Ước tính, tổng vốn đầu tư xây dựng mới và cải tạo các công trình lưới điện từ 220kV trở xuống trong giai đoạn 2016-2025 là 11.363,1 tỷ đồng, trong đó bao gồm 5.807,5 tỷ đồng dành cho lưới trung và hạ áp.

Tải về nội dung Quyết định 4922/QĐ-BCT.

Facebook
Twitter
LinkedIn