ThS. Nguyễn Hoàng Sơn, Phòng Quy hoạch lưới điện, Viện Năng lượng, Bộ Công thương.
Sơn La là một tỉnh miền núi cao phía Tây Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 320 km dọc theo trục quốc lộ 6, phía Bắc giáp tỉnh Yên Bái, phía Đông giáp tỉnh Phú Thọ và Hoà Bình, phía Tây giáp tỉnh Điện Biên, phía Nam giáp tỉnh Thanh Hoá; Sơn La có 250 Km đường biên giới với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào với cửa khẩu quốc gia Lóng Sập và Chiềng Khương.
Có tổng diện tích tự nhiên là 14.174 km2, đứng thứ 3 trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của cả nước (sau Nghệ An và Gia Lai), bằng 4,28% diện tích tự nhiên toàn quốc và bằng 37,88% tổng diện tích tự nhiên vùng Tây Bắc. Tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện (11 huyện và 01 thành phố). Dân số toàn tỉnh đến năm 2014 khoảng 1.169.600 người gồm 12 dân tộc cùng sinh sống, tạo nên một môi trường giao thoa văn hóa đặc trưng vùng Tây Bắc Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2011-2015 đạt 10,39%.
Năm 2015, tổng điện thương phẩm toàn tỉnh là 443,6 triệu kWh, Pmax là 104MW. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân 11,02%/năm.
Dự kiến giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) bình quân 2016 – 2020 đạt 10,5%; giai đoạn 2021-2025 dự kiến đạt 10%; giai đoạn 2026-2030 là 9,8 %/năm, giai đoạn 2031-2035 là 9,5 %/năm.
Để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh theo như mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh đã xây dựng quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 nhằm xác định chương trình phát triển nguồn và lưới điện đảm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới.
Ngày 24/11/2016 Bộ công thương đã ban hành quyết định số 4598/ QĐ- BCT về việc phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035- Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV với nội dung như sau:
1. Về nhu cầu phụ tải:
Năm 2020: Công suất cực đại Pmax = 180 MW, điện thương phẩm 782,1 triệu kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 là 12,01 %/năm.
Năm 2025: Công suất cực đại Pmax = 295 MW, điện thương phẩm 1.305,7 triệu kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 là 10,8 %/năm.
Năm 2030: Công suất cực đại Pmax = 450 MW, điện thương phẩm 2.145,1 triệu kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm giai đoạn 2026-2030 là 10,44 %/năm.
Năm 2035: Công suất cực đại Pmax = 700 MW, điện thương phẩm 3.440,4 triệu kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm giai đoạn 2031-2035 là 9,91 %/năm.
2. Về khối lượng đầu tư xây dựng
a. Lưới điện 220kV
Giai đoạn 2016-2020: Xây dựng mới 1 trạm biến áp 220/110 kV, công suất 2×125 MVA. Xây dựng 1 đường dây 220 kV với tổng chiều dài 1,5 km.
Giai đoạn 2021-2025: Xây dựng mới 1 đường dây 220 kV, chiều dài 126 km.
Giai đoạn 2026-2030: Cải tạo 3 đường dây 220kV với chiều dài 93,7 km.
Giai đoạn 2031-2035: Cải tạo 1 trạm biến áp 220/110 kV, tổng công suất (125+250) MVA.
b. Lưới điện 110kV
Giai đoạn 2016-2020: Xây dựng mới 26 trạm biến áp 110 kV với tổng công suất 1296 MVA, trong đó có 8 trạm phục vụ truyền tải công suất của các nhà máy thủy điện với tổng công suất là 249 MVA; xây dựng trạm cắt 110 kV Quỳ Hợp; Cải tạo, mở rộng nâng quy mô công suất 6 trạm biến áp 110 kV với tổng công suất tăng thêm 220 MVA. Xây dựng mới 33 tuyến đường dây 110 kV với tổng chiều dài 397,1 km; Cải tạo nâng tiết diện 9 tuyến đường dây 110 kV với tổng chiều dài 263,9 km.
Giai đoạn 2021-2025: Xây dựng mới 10 trạm biến áp 110 kV với tổng công suất 496 MVA, trong đó có 2 trạm phục vụ truyền tải công suất các nhà máy thủy điện với tổng công suất là 112 MVA; Cải tạo, mở rộng nâng quy mô công suất 5 trạm biến áp 110 kV với tổng công suất tăng thêm 175 MVA. Xây dựng mới 12 tuyến đường dây 110 kV với tổng chiều dài 94 km.
Giai đoạn 2026-2030: Xây dựng mới 2 trạm biến áp 110 kV với tổng công suất 126 MVA. Xây dựng mới 2 tuyến đường dây 110 kV với tổng chiều dài 1,5 km.
Giai đoạn 2031-2035: Xây dựng mới 1 trạm biến áp 110 kV với tổng công suất 63 MVA; Cải tạo, mở rộng nâng quy mô công suất 5 trạm biến áp 110 kV với tổng công suất tăng thêm 288 MVA. Xây dựng mới 2 đường dây 110 kV với tổng chiều dài 7 km, cải tạo 1 tuyến đường dây 110 kV với tổng chiều dài 62,7 km.
3. Tổ chức thực hiện
– Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức công bố quy hoạch, chịu trách nhiệm giành quỹ đất cho các công trình trong quy hoạch đã được phê duyệt, chỉ đạo Sở Công Thương Sơn La tổ chức triển khai lập quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 Hợp phần II: Quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110 kV để chuẩn xác lưới điện phân phối đến từng cấp xã, chuẩn xác quy mô, tiến độ cải tạo lưới điện trung áp nhằm tiết kiệm vốn đầu tư và giảm tổn thất điện năng.
– Giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Bắc và các nhà đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Sơn La để tổ chức thực hiện quy hoạch. Trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình lưới điện truyền tải và phân phối, các đơn vị điện lực phải tuân thủ đúng cấu trúc lưới điện, quy mô và cấp điện áp được phê duyệt; tuân thủ Quy định hệ thống điện truyền tải và Quy định hệ thống điện phân phối đã được ban hành.
– Sở Công Thương Sơn La chỉ đạo đơn vị tư vấn lập đề án hoàn thiện Đề án quy hoạch theo đúng các nội dung được phê duyệt trong Quyết định này và gửi Hồ sơ Đề án đã hoàn thiện về Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La, Sở Công Thương Sơn La, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Sơn La để quản lý và thực hiện. Sở Công Thương Sơn La có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, quản lý thực hiện Quy hoạch đã được duyệt.