Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035

Nguyễn Hoàng Anh, Phòng Kinh tế dự báo và quản lý nhu cầu năng lượng, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương

Bộ Công Thương vừa ra quyết định phê duyệt Hợp phần 1 của Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035 theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Bình và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. Hồ sơ quy hoạch điện lực Quảng Bình do Viện Năng lượng xây dựng và hoàn thiện.
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định 3824/QĐ-BTC ngày 03 tháng 10 năm 2017 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035 thuộc hợp phần phát triển hệ thống lưới điện 110kV.
Đây là kết quả của đề án do Viện Năng lượng xây dựng từ đầu năm 2016 và đã trải qua nhiều cấp phê duyệt và thẩm định. Theo đó, mục tiêu của Quy hoạch là đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đồng thời xây dựng phương án đấu nối của các nhà máy thủy điện và năng lượng tái tạo vào hệ thống điện lưới Quốc gia nhằm khai thác hợp lý nguồn điện trong vùng và ổn định hệ thống điện khu vực.

Quảng Bình là một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, công nghiệp vật liệu xây dựng và sản xuất điện. Theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, dự kiến Tổng sản phẩm địa phương GRDP sẽ ở mức 7,5-9,0% trong giai đoạn 2016-2025 và 5,0-7,0% trong giai đoạn 2026-2035. Ước tính đến năm 2020 Quảng Bình sẽ có tổng cộng 8 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích hơn 2.100 ha, trong đó nổi bật là các khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Hòn La. Về nguồn điện đấu nối vào lưới 110kV, dự kiến sẽ có hai nhà máy thủy điện là La Trọng – 22MW và Kim Hóa – 20M, và một dự án điện mặt trời của tập đoàn Dohwa ở huyện Lệ Thủy.
Theo đề án quy hoạch, dự báo đến năm 2025, điện thương phẩm của toàn tỉnh sẽ đạt hơn 2,9 tỷ kWh, cao gần gấp bốn lần so với năm 2016. Cũng trong năm này, điện năng thương phẩm bình quân đầu người sẽ đạt gần 3,1 ngàn kWh. Đến năm 2035, lượng điện thương phẩm dự báo sẽ đạt mức 5,1 tỷ kWh với mức bình quân đầu người hơn 5 ngàn kWh.
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải như trên, đồng thời đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống 110kV quốc gia, trong giai đoạn 2016-2025, đề án quy hoạch đã xác định cải tạo và mở rộng 3 trạm 220kV với tổng công suất tăng thêm 375 MVA, 21 trạm 110 kV với lượng tổng công suất tăng thêm 795 MVA; xây dựng mới và cải tạo gần 60 km đường dây 220kV, hơn 288 km đường dây 110kV. Trong giai đoạn 2026-2035, dự kiến xây dựng mới và cải tạo 9 trạm 110kV với tổng công suất tăng thêm là 425 MVA và 17,0 km đường dây 110kV.
Ước tính, tổng vốn đầu tư mới, cải tạo các công trình lưới điện từ 220 kV trở xuống đến lưới điện trung áp là trên 4.789 tỷ đồng, bao gồm chi phí đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống lưới quốc gia.
Bộ Công Thương yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức công bố Quy hoạch, chịu trách nhiệm dành quỹ đất cho các công trình đã được phê duyệt và chỉ đạo Sở Công thương tổ chức triển khai lập Hợp phần 2 của Quy hoạch phát triển điện lực để chuẩn xác lưới điện phân phối đến từng xã, quy mô, tiến độ cải tạo lưới điện trung áp nhằm tiết kiệm vốn đầu tư và giảm tổn thất điện năng

Tải về nội dung Quyết định 3824/QĐ-BCT ở đây

Facebook
Twitter
LinkedIn