Khởi công Dự án trang trại điện mặt trời Gelex Ninh Thuận

ThS. Bùi Thành Trung, Phó Trưởng phòng Quy hoạch lưới điện, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương

Ngày 05 tháng 6 năm 2018, Dự án trang trại điện mặt trời Gelex Ninh Thuận đã tổ chức khởi công xây dựng với quy mô công suất 50MWp tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Đây là Dự án phát điện bằng năng lượng mặt trời do Viện Năng lượng – Bộ Công Thương là đơn vị tư vấn toàn bộ các thủ tục từ các công tác lập Báo cáo cơ hội đầu tư (pre-FS), điều chỉnh quy hoạch điện, Báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở (FS) cùng các thỏa thuận đi kèm để triển khai các thủ tục ký PPA (hợp đồng mua bán điện) giữa Chủ đầu tư với Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN.
Trải qua 9 tháng phối hợp chặt chẽ cùng Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex Ninh Thuận, Viện Năng lượng đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho Dự án để triển khai công tác xây dựng và dự kiến đưa Dự án vào vận hành phát điện thương mại (COD) trước tháng 6/2019 để được hưởng giá mua điện ưu đãi của Chính phủ là 9,35UScent/kWh theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.

Dự án trang trại điện mặt trời Gelex Ninh Thuận có quy mô công suất 50MWp là dự án công trình công nghiệp năng lượng nhóm B cấp I do Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex Ninh Thuận đầu tư với tổng mức đầu tư ước khoảng 1.335 tỷ đồng trong đó vốn tự có của Chủ đầu tư là 30% còn lại là vốn vay thương mại. Dự án có sản lượng điện của năm đầu khoảng 82,186 triệu kWh và được đấu nối vào trạm 110kV Ninh Thuận 1 của hệ thống điện Quốc gia bằng đường dây 110kV dài 0,1km

Khi Dự án trang trại điện mặt trời Gelex Ninh Thuận đi vào hoạt động sẽ góp phần làm giảm thiếu điện của Việt Nam trong giai đoạn tới khi chúng ta đã dừng đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và các nguồn nhiệt điện đang dự kiến chậm tiến độ như các nhiệt điện Long Phú, Ô Môn và các nhà máy điện sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh… Ngoài ra đây là dự án phát điện sử dụng năng lượng tái tạo nên sẽ làm giảm lượng CO2 phát thải góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm chất lượng phát thải CO2 của Việt Nam trong công ước khung liên hợp quốc COP21.

Facebook
Twitter
LinkedIn