TS. Nguyễn Anh Tuấn, KS. Nguyễn Khoa Diệu Hà, ThS. Vũ Phương Hoa
Viện Năng lượng, Bộ Công Thương
Tóm tắt
Đề tài nhằm mục tiêu nghiên cứu, đề xuất các mô hình tính toán phù hợp để kiến nghị các biện pháp giảm phát thải có hiệu quả chi phí đối với Việt Nam. Để đạt mục tiêu đó, các tác giả đã đề xuất tập hợp các giải pháp giảm phát thải trong các ngành kinh tế chính của Việt Nam, xây dựng đường cong chi phí biên giảm phát thải theo phương pháp mô hình dưới lên cho hệ thống năng lượng Việt Nam và đề xuất cách thức sử dụng đường cong chi phí biên đó để đánh giá tiềm năng, chi phí giảm phát thải và xác định các giải pháp giảm phát thải cho Việt Nam theo các mục tiêu giảm phát thải cụ thể.
Hình 1. Tương quan của phát triển kinh tế và xu hướng nhu cầu năng lượng của Việt Nam
I. Mở đầu
Trong những năm gần đây, sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt với những hậu quả to lớn lên cuộc sống của con người và môi trường khiến cho vấn đề biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trở lên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Mặc dù Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có mức phát thải tương đối thấp và chưa phải cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính, tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm vừa qua khiến Việt Nam cũng thuộc nhóm các nước có tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính nhanh nhất thế giới, trong đó ngành năng lượng có mức đóng góp phát thải cao nhất. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tìm ra và lựa chọn các giải pháp giảm phát thải hiệu quả cho Việt Nam đang là một vấn đề quan trọng thu hút nhiều sự chú ý của giới nghiên cứu cũng như của Chính phủ.Để lựa chọn các giải pháp giảm phát thải phù hợp, các nhà làm luật trên thế giới thường dựa vào đường cong chi phí biên (Marginal Abatement cost-MAC) – so sánh chi phí biên và tổng mức giảm phát thải – để minh họa tính kinh tế của các biện pháp giảm biến đổi khí hậu và góp phần đưa ra các quyết định trong các chính sách về khí hậu. Đường cong MAC có thể được lập theo những cách khác nhau, phổ biến nhất là đường cong MAC lập dựa trên kinh nghiệm của các chuyên gia và đường cong MAC phái sinh từ các mô hình năng lượng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra mỗi loại đường cong MAC này đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng, dẫn đến những hạn chế nhất định trong việc cung cấp thông tin để đưa ra quyết định lựa chọn các biện pháp giảm phát thải thích hợp.Tại Việt Nam cũng đã có nhiều nghiên cứu tính toán và lựa chọn các biện pháp giảm phát thải, nhưng phần lớn là sử dụng phương pháp chuyên gia. Việc sử dụng đường cong MAC theo mô hình cũng đã được xem xét nhưng chưa được bàn luận kỹ lưỡng. Vì vậy, trong nghiên cứu này chúng tôi mong muốn đề xuất một cách tiếp cận hợp lý trong việc xây dựng và sử dụng đường cong MAC nhằm kết hợp được thế mạnh của cả phương pháp chuyên gia và phương pháp mô hình để xem xét và lựa chọn những biện pháp giảm phát thải có hiệu quả chi phí cho hệ thống năng lượng trong bối cảnh kinh tế – xã hội của Việt Nam.