Quy hoạch phát triển Năng lượng tái tạo vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Với vị trí địa lý, khí hậu và các hoạt động nông nghiệp đã tạo ra cho Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ nói riêng có một tiềm năng dồi dào và khá đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) có thể khai thác và sử dụng như thủy điện, sinh khối (SK), gió, mặt trời, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học và các nguồn năng lượng mới khác. Tuy nhiên, đến nay việc khai thác và sử dụng NLTT thực sự có hiệu quả, hiệu suất cao trong sản xuất năng lượng (NL) nói chung và điện năng nói riêng tại vùng quy hoạch còn hạn chế so với tiềm năng.

Nhà máy phát điện bằng nhiên liệu sinh khối

Trong bối cảnh thiếu hụt ngày càng lớn trong cung cầu NL nội địa và các diễn biến khó lường (dự kiến sẽ phải nhập khẩu than sau năm 2015, các nguồn thủy điện lớn hầu như đã được khai thác trong thập kỷ này, một loạt sự cố xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima – Nhật Bản gần đây…), chắc chắn sẽ có tác động lớn đến việc cung cầu, giá các nguồn NL truyền thống. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, chính vì vậy việc xem xét quy hoạch nhằm khai thác và sử dụng các nguồn NLTT tại các vùng kinh tế mà Việt Nam có tiềm năng với một lượng đáng kể và thích hợp là một đòi hỏi cấp thiết.
Phạm vi vùng quy hoạch là vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ, bao gồm:
– Các tỉnh đồng bằng: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình;
– Các tỉnh trung du miền núi phái Bắc: Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, trừ đi 06 tỉnh biên giới phía Bắc đã thực hiện quy hoạch NLTT. Các tỉnh (09 tỉnh) thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong vùng quy hoạch có vị trí địa lý khá đặc biệt, lại có mạng lưới giao thông vận tải đang được đầu tư, nâng cấp, nên ngày càng thuận lợi cho việc giao lưu với các vùng khác trong nước và xây dựng nền kinh tế mở.
Ngày 28 tháng 12 năm 2012, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 8217/QĐ-BCT phê duyệt “Quy hoạch phát triển NLTT vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Viện Năng lượng lập, với các nội dung chính như sau:
1. Quan điểm phát triển
– Thúc đẩy, gia tăng tỷ trọng khai thác & sử dụng NLTT trong bối cảnh mục tiêu chung của cả nước về mục tiêu phát triển NLTT đến 2020, tầm nhìn 2030, bao gồm cả sản xuất năng lượng nói chung và điện nói riêng, nhằm góp phần thực hiện chủ chương Chính phủ theo tinh thần của Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050.
– Đẩy mạnh khai thác và sử dụng các nguồn NLTT tiềm năng của vùng: năng lượng sinh khối, năng lượng mặt trời và năng lượng từ rác thải. Tập trung khai thác mạnh các công nghệ NLTT đã chín muồi, có giá thành và mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện dân sinh, kinh tế của vùng.
– Tập trung phát triển các dự án xử lý rác thải vừa để sản xuất điện nối lưới nhằm tận dụng nhiệt thải và góp phần cải thiện điều kiện môi trường khu vực vùng quy hoạch.
– Khuyến khích phát triển các dự án NLTT nhằm tiết kiệm điện, cho sản xuất điện nối lưới, lưới điện độc lập, điện cho cụm dân cư, điện cho hộ gia đình đơn lẻ, cung cấp nhiệt cho sản xuất, chế biến nông-lâm-thuỷ sản, cho đun nấu hộ gia đình.
– Ưu tiên cho các dự án điện độc lập ngoài lưới, gắn với điện khí hoá nông thôn tại các vùng sâu, vùng xa. Chú trọng phát triển NLTT cho những nơi có chi phí rẻ hơn so với điện diesel hoặc kéo điện bằng lưới quốc gia. Hỗ trợ và tập trung đầu tư mạnh cho những nơi có khả năng vừa phát triển sản xuất vừa gắn với việc tạo công ăn việc làm, cải thiện mức sống người dân.
– Khuyến khích phát triển các công nghệ NLTT theo hướng thương mại hoá sản phẩm với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế trong và ngoài nước theo hình thức đầu tư được pháp luật nhà nước quy định.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa, có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo trong vùng, từng bước gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng, điện năng của vùng, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, cải thiện cơ cấu ngành năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; hoàn thành mục tiêu điện khí hoá nông thôn của Đảng và Nhà nước về cung cấp điện cho các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
2.2. Mục tiêu cụ thể
– Đến năm 2020, phấn đấu khai thác từ các dạng năng lượng tái tạo tương đương khoảng 889,66 KTOE/năm. Trong đó, cấp điện đạt 1206,63GWh/năm và đáp ứng các nhu cầu nhiệt tương đương 703,48 KTOE/năm. Cấp điện ngoài lưới từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 22.724 hộ (khoảng 0,61% số hộ nông thôn của vùng quy hoạch).
– Đến năm 2030, nâng tổng khai thác năng lượng tái tạo tương đương khoảng 1838,16 KTOE/năm. Trong đó, cấp điện đạt xấp xỉ 5100,81GWh/năm, cấp năng lượng dưới dạng nhiệt, tương đương 1051,11 KTOE/năm.
3. Định hướng phát triển
– Khẩn trương xây dựng và đưa vào vận hành đúng tiến độ các dự án thủy điện nhỏ đã quy hoạch.
– Đẩy mạnh phát triển và hỗ trợ đầu tư các dự án điện gió, dự án phát điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối.
– Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư các trạm phát điện tại chỗ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện cho các hộ gia đình chưa có điện tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo phù hợp với chủ trương định canh, định cư của nhà nước và địa phương.
– Tăng cường tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích sử dụng năng lượng tái tạo nhằm phát triển mạnh ngày càng nhanh hơn việc khai thác năng lượng mặt trời, khí sinh học (KSH) đáp ứng các nhu cầu năng lượng trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.
– Thúc đẩy và khuyến khích các thành phố, thị trấn, thị xã đầu tư xây dựng chuỗi thu gom và xử lý rác thải để phát điện.
4. Quy hoạch phát triển
* Giai đoạn 2013 – 2020
– Về phát triển nguồn điện tái tạo nối lưới: Phát triển 325,7 MW, trong đó thủy điện nhỏ là 269,2MW; điện KSH 5,5MW; điện rác thải sinh hoạt 26MW; điện bã mía 15MW; điện trấu 10MW.
– Về phát triển nguồn điện tái tạo phục vụ công cuộc điện khí hoá nông thôn vùng sâu, vùng xa ngoài lưới: Cung cấp điện cho 22899 hộ, dựa trên các nguồn NLTT có sẵn tại chỗ với quy mô công suất là 7801kWp.
– Về phát triển nguồn điện tái tạo ngoài lưới: Cung cấp tự dùng cho các trang trại chăn nuôi quy mô trung bình: Giai đoạn đến năm 2020: phát triển và ứng dụng khoảng 2421 nghìn m3 hầm KSH cho phát điện.
– Về các chương trình khai thác NLTT cho nhiệt và nhiên liệu sinh học: Giai đoạn đến năm 2020: phát triển và ứng dụng 521 triệu m2 thiết bị đun nước nóng mặt trời; 6,46 triệu m3 hầm KSH, 395 nghìn bếp đun SK cải tiến; 316 nghìn bếp khí hoá SK và sản lượng ethanol 198 triệu lít/năm.
* Định hướng giai đoạn 2020-2030
– Về phát triển nguồn điện tái tạo nối lưới: Phát triển 1230,5 MW, trong đó thủy điện nhỏ là 939,8 MW (chiếm 76,4%); điện KSH 5,5MW (0,4%); điện rác thải sinh hoạt 50,5MW (4,1%); điện SK 111MW (9,0%); điện gió 110MW (8,9%).
– Về phát triển nguồn điện tái tạo ngoài lưới: Cung cấp tự dùng cho các trang trại chăn nuôi quy mô trung bình: Giai đoạn 2020 – 2030: phát triển và ứng dụng khoảng 436 nghìn m3 hầm KSH cho phát điện.
– Về các chương trình khai thác NLTT cho nhiệt và nhiên liệu sinh học: Phát triển và ứng dụng 1158 triệu m2 thiết bị nước nóng mặt trời; 7,98 triệu m3 hầm KSH, 627 nghìn bếp đun SK cải tiến; 543 nghìn bếp khí hoá SK, sản lượng ethanol 198 triệu lít/năm.
Nhu cầu vốn đầu tư ước tính để triển khai với quy mô quy hoạch đến năm 2020 khoảng 16.954,2 tỷ đồng; đến năm 2030 khoảng 31.577,8 tỷ đồng.
Nghiên cứu, lập quy hoạch phát triển NLTT đối với vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ sẽ có ‎ý nghĩa rất quan trọng, góp phần cụ thể hóa việc thực hiện chiến lược phát triển NL quốc gia, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường khu vực và góp phần đảm bảo mục tiêu và vai trò phát triển vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.
Phạm Hồng Vân
Trung tâm NLTT & CCPTS, Viện Năng Lượng

Facebook
Twitter
LinkedIn