Đánh giá vòng đời (LCA) là một phương pháp để đánh giá tác động môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua tất cả các quy trình, bao gồm khai thác, sản xuất và sử dụng nguyên liệu thô, đến xử lý cuối vòng đời. Trong đánh giá phát thải trong toàn bộ vòng đời, phát thải các khí nhà kính (GHG) bao gồm CO2, CH4và N2O là mối quan tâm hàng đầu.
Hiện nay, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã tính toán phát thải trực tiếp cho các loại hình phát điện tại Việt Nam, chủ yếu là phát thải của nhiệt điện than, khí. Nhóm chuyên gia của Viện Năng lượng đã thực hiện nghiên cứu phát thải LCA đối với các loại hình phát điện trong hệ thống điện Việt Nam và dựa trên kết quả này để tính toán cho chương trình phát triển nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII để hiểu rõ hơn về tác động phát thải đầy đủ của các loại hình nguồn điện khác nhau trong toàn bộ chuỗi cung ứng năng lượng, bao gồm cả phát thải thượng nguồn và hạ nguồn.
Nghiên cứu được thực hiện tham khảo hướng dẫn của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho 10 loại nguồn điện chính trong hệ thống điện Việt Nam bao gồm 5 loại nhiệt điện (than trong nước, than nhập khẩu, khí sinh hoạt, LNG, hydrogen xanh và amoniac xanh) và 5 nguồn năng lượng tái tạo (sinh khối, điện rác, thủy điện, mặt trời và gió).
Trong nghiên cứu, phương pháp “cradle to grave” đã được áp dụng, trong đó tính toán phát thải cho các loại hình nguồn điện từ khâu thượng nguồn, phát thải trực tiếp cho đến khâu hạ nguồn. Trong đó phát thải thượng nguồn bao gồm: (i) Phát thải thượng nguồn một lần (one-time upstream), chủ yếu xây dựng nhà máy điện, sản xuất tấm pin mặt trời/tuabin gió và (ii) phát thải thượng nguồn liên tục (ongoing upstream) từ khai thác than/khai thác khí/sản xuất H2/NH3 xanh, vận chuyển… trong nhiệt điện đến trồng trọt, chế biến, vận chuyển, điện & vật liệu cho các dịch vụ phụ trợ trong năng lượng tái tạo. Đặc biệt với loại hình điện sinh khối đã xem xét thêm các khâu cô lập bỏ qua (forgone sequestration) và cô lập các-bon (carbon sequestration). Phát thải trực tiếp là phát thải trong quá trình phát điện và phát thải hạ nguồn chủ yếu là trong quá trình tháo dỡ các nhà máy điện.
Tổng hợp kết quả của nghiên cứu tính toán phát thải CO2 tương đương trên cơ sở vòng đời của các loại nguồn điện tại Việt Nam trong năm theo tiềm năng nóng lên toàn cầu trong chu kỳ 20 năm (GWP-20) như sau:Hình 1: So sánh phát thải CO2 tương đương các nguồn điện trong hệ thống điện Việt Nam(GWP-20 năm)
Tính toán tham khảo phát thải trong toàn bộ vòng đời LCA cho chương trình phát triển nguồn điện của Việt Nam trong tương lai theo Quy hoạch điện VIII (kịch bản cơ sở) cho thấy, phát thải trên cơ sở LCA sẽ có mức phát thải CO2 tương đương cao gấp 1,7 lần năm 2035 và 6,5 lần năm 2050. Điều này là do tỷ lệ năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng hydro/ amoniac xanh tăng lên và phát thải trực tiếp các nguồn này bằng không, nhưng trong tính toán LCA, chúng có lượng khí thải CO2 tương đương đáng kể.
Hình 2: So sánh phát thải LCA và phát thải trực tiếp trong QHĐ VIII – KB phụ tải cơ sở
Để tải báo cáo đầy đủ xin liên hệ:
ThS. Nguyễn Văn Dương – Nghiên cứu viên phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng
Địa chỉ email: nvduong.ie.vn@gmail.com.