Những thách thức đặt ra
Ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng. Đây được xem là tiền đề quan trọng nhằm thúc đẩy ngành điện chuyển đổi số nhanh và mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, quá trình này hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc khởi tạo hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu có tính chất phức tạp, đa dạng và thiếu đồng bộ của các công trình ngành điện.
BIM là công nghệ cao đang được sử dụng phổ biến nhằm tối ưu hóa quy trình thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển đổi mô hình quản lý toàn bộ vòng đời của công trình xây dựng; là một hệ thống thông tin “số hóa” và “ảo hóa” về công trình hoặc các cấu trúc xây dựng khác, bao gồm thông tin về vật liệu, các chi tiết kỹ thuật, thông số kỹ thuật và thiết kế hệ thống, đặc tính vận hành thiết bị. Ứng dụng công nghệ BIM trong ngành điện Việt Nam có thể giúp nâng cao hiệu quả quản lý các công trình xây dựng, từ việc thiết kế đến vận hành, đảm bảo an toàn và tiết kiệm chi phí, tạo lập nền tảng, cơ sở dữ liệu để ứng dụng, phát triển các công nghệ cao khác như “Dữ liệu lớn” (Big Data), “Trí tuệ nhân tạo” (AI), “Công nghệ thực tại tăng cường” (Augmented Reality) và “Công nghệ điện toán đám mây”…
Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi ích khi áp dụng BIM trong ngành xây dựng và ngành năng lượng tại Việt Nam, nhưng việc triển khai BIM cũng gặp phải một số thách thức và khó khăn.
Trước hết, đó là vấn đề thiếu nhân lực có kỹ năng về BIM, cụ thể, việc triển khai BIM đòi hỏi những kiến thức và kỹ năng chuyên môn cao, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và quản lý công trình. Để sử dụng BIM hiệu quả, các chuyên gia cần có kiến thức về thiết kế, kỹ thuật xây dựng, phần mềm đồ họa và quản lý dự án. Tuy nhiên, ở Việt Nam, số lượng nhân lực có kỹ năng về BIM vẫn còn hạn chế, các chuyên gia trong ngành đang phải học hỏi và tự học để có thể áp dụng BIM trong công việc của mình. Hiện các trường đại học và các tổ chức đào tạo cung cấp các khóa học về BIM, nhưng số lượng chương trình đào tạo này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của ngành năng lượng Việt Nam.
SPP 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch
Tiếp đến, đó là vấn đề chi phí đầu tư ban đầu cao và chi phí duy trì hệ thống khó kiểm soát chủ động. Cụ thể, đầu tư vào phần mềm BIM đòi hỏi một khoản chi phí đáng kể để mua bản quyền và các gói phần mềm cần thiết từ đối tác nước ngoài để thực hiện việc mô hình hóa các công trình. Ngoài ra, phần cứng cần thiết để chạy phần mềm BIM, bao gồm các máy tính mạnh và các phần cứng chuyên dụng khác, cũng đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu đáng kể. Cùng với đó, việc đầu tư cho khâu đào tạo nhân lực, cập nhật cơ sở dữ liệu nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu và mô hình hóa cũng sẽ đòi hỏi một khoản đầu tư lớn và liên tục.
Việc thiếu quy định pháp lý liên quan đến BIM là vấn đề đáng quan tâm khi mà hiện nay Việt Nam chưa có nhiều quy định pháp lý rõ ràng về việc sử dụng BIM trong quản lý, thiết kế và xây dựng công trình. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc xác định trách nhiệm và giải quyết tranh chấp giữa các bên trong quá trình sử dụng BIM. Cụ thể, việc triển khai BIM đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm chủ đầu tư, nhà thầu, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và nhân viên kỹ thuật. Tuy nhiên, khi các bên không có các quy định pháp lý rõ ràng để thực hiện việc triển khai BIM, có thể dẫn đến sự bất đồng quan điểm giữa các bên và khó khăn trong việc xác định trách nhiệm khi xảy ra tranh chấp.
Việc thiếu đồng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cũng có thể gây ra những hạn chế trong việc sử dụng BIM. Việc áp dụng BIM trong xây dựng yêu cầu phải đồng bộ với các tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện vẫn còn sự khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật trong các lĩnh vực liên quan đến BIM, như xử lý thông tin, quản lý dữ liệu và tích hợp các hệ thống. Điều này làm cho việc áp dụng BIM trở nên khó khăn và không nhất quán, đặc biệt là khi các đơn vị, tổ chức có thể có cách tiếp cận và sử dụng BIM khác nhau. Vấn đề này có thể gây ra những hạn chế trong việc sử dụng BIM trong quá trình thiết kế, xây dựng, và quản lý công trình, đặc biệt là khi các bên liên quan không thể đồng nhất về các quy trình và kỹ thuật sử dụng BIM. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ và chi phí của các dự án xây dựng, cũng như làm cho việc sử dụng BIM không đạt được hiệu quả cao nhất. Do đó, việc xây dựng và đồng bộ các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến BIM là rất cần thiết để tạo ra sự đồng nhất và nhất quán trong việc áp dụng BIM, đồng thời cũng giúp tăng cường chất lượng và hiệu quả trong các công trình xây dựng.
Ngoài ra,còn khó khăn trong việc tạo ra mô hình BIM chính xác. Việc tạo ra một mô hình BIM chính xác đòi hỏi sự đầy đủ và chính xác của thông tin về dự án, bao gồm cả các chi tiết kỹ thuật, thông số vật liệu, hệ thống và các thiết bị. Tuy nhiên, việc thu thập thông tin này có thể gặp khó khăn trong quá trình triển khai BIM tại Việt Nam vì nhiều lý do. Ngoài ra, việc cập nhật thông tin cho mô hình BIM cũng là một thách thức lớn, vì dự án xây dựng thường có nhiều thay đổi trong quá trình triển khai, các thông tin về thiết kế và kế hoạch thường phải được điều chỉnh và cập nhật. Để đảm bảo mô hình BIM vẫn chính xác, các thông tin này cần được cập nhật thường xuyên, tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự cập nhật liên tục và đồng bộ của các bên liên quan và các phần mềm hỗ trợ.
Giải pháp tháo gỡ
Để khắc phục các khó khăn, thách thức nhằm triển khai thành công Lộ trình ứng dụng công nghệ BIM trong ngành điện, năng lượng tại Việt Nam, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu bước đầu và kinh nghiệm thực tiễn, Viện Năng lượng đề xuất cần phải triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp sau:
Cụ thể, đối với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền liên quan: Hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai BIM, trong đó cần xét đến những đặc thù của công trình ngành điện so với các công trình xây dựng khác, bao gồm quy định về bảo vệ dữ liệu, trách nhiệm và giải quyết tranh chấp để tạo ra một môi trường lành mạnh và hấp dẫn cho các chủ thể tham gia vào BIM; thúc đẩy sự đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật,: Cần tập trung nguồn lực đồng bộ các tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức xây dựng, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp và các chuyên gia trong việc xây dựng các tiêu chuẩn này; cơ chế tài chính để đầu tư cho BIM: Rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ tài chính, quy định đơn giá, định mức về chi phí để giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đầu tư cho phần mềm và phần cứng BIM, cập nhật cơ sở dữ liệu và đào tạo nhân lực.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước, chủ đầu tư: Xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi mô hình quản trị doanh nghiệp, quản lý dự án phù hợp với lộ trình ứng dụng công nghệ BIM trong đơn vị; phát triển cơ sở dữ liệu đầy đủ và chính xác: Cần tăng cường việc thu thập và cập nhật thông tin về dự án, bao gồm các chi tiết kỹ thuật, thông số vật liệu, hệ thống và các thiết bị để đảm bảo tạo ra một mô hình BIM chính xác và đầy đủ.
Các đơn vị tư vấn, nghiên cứu tham gia ứng dụng công nghệ BIM cần đầu tư vào việc đào tạo nhân lực có kỹ năng chuyên môn về BIM thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu và đào tạo liên kết với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp, cơ sở đào tạo.
Sự tham gia tích cực, chủ động của các bộ, ngành nhằm đưa ra các quyết sách đúng và trúng để các doanh nghiệp đầu tư hiệu quả vào BIM có vai trò quyết định đến quá trình triển khai BIM trong ngành điện, năng lượng tại Việt Nam, từ đó tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc chuyển đổi số trong ngành điện.
TS. Nguyễn Xuân Phúc, ThS. Hoàng Văn Lâm (Viện Năng Lượng)
Báo Công Thương