Nghiên cứu và đề xuất lộ trình phát triển nền kinh tế hydro ở Việt Nam

1. Đặt vấn đề
Nền kinh tế hydro1 là nền kinh tế dựa vào hydro làm nhiên liệu thương mại, cung cấp một phần đáng kể năng lượng và dịch vụ của một quốc gia. Quan điểm này có thể trở thành hiện thực nếu hydro có thể được sản xuất từ các nguồn năng lượng hiệu quả về mặt kinh tế và thân thiện môi trường. Tuy nhiên, để phát triển nền kinh tế hydro trở thành hiện thực và quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế như vậy có thể diễn ra nhiều thách thức về kỹ thuật, xã hội và chính sách cần phải vượt qua.
Hiện nay, hydro đã được nhấn mạnh như một thành phần chiến lược không thể thiếu trong quy hoạch năng lượng quan trọng của các quốc gia trên thế giới. Đến tháng 9 năm 2021 trên thế giới đã có 26 nước ban hành chiến lược phát triển hydro quốc gia2.

Hình 1: Các nước trên thế giới đã ban hành lộ trình/chiến lược phát triển hydro

Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng về năng lượng tái tạo để sản xuất hydro xanh. Theo tính toán trong QHĐ VIII3, tiềm năng điện gió trên bờ khoảng 217 GW, tiềm năng điện gió ngoài khơi khoảng 162 GW, tiềm năng điện mặt trời khoảng 1.694 GW. Do đó, giải pháp sử dụng nguồn năng lượng tái tạo ngoài nhiệm vụ phát điện còn sử dụng để sản xuất hydro xanh sẽ là một chiến lược đúng đắn và hợp lý.

Hình 2: Mô hình sản xuất hydro xanh từ nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Đối với Việt Nam, phát triển và sử dụng hydro đã được Bộ Chính trị định hướng trong Nghị quyết số 55-NQ/TW4 , trong đó một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu “Thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới”.
Ngoài ra, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, để đáp ứng mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành:
Quyết định số 888/QĐ-TTg5 trong đó mục tiêu cụ thể: Phát triển các dự án năng lượng mới không phát thải như sản xuất nhiên liệu hydro xanh, amoniac xanh… phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và các nhiệm vụ, giải pháp: Ban hành cơ chế khuyến khích, ưu đãi sử dụng nhiên liệu sinh học, điện, nhiên liệu amonia xanh, hydro xanh trong giao thông vận tải; nghiên cứu phát triển và sử dụng nhiên liệu amonia xanh, hydro xanh.
Quyết định số 896/QĐ-TTg6 với các giải pháp như: Nâng công suất các nhà máy điện mặt trời tập trung, điện mặt trời mái nhà, điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối, phát triển các công nghệ nhiên liệu hydro; từng bước sử dụng hydro thay thế than trong công nghiệp luyện kim, trong các ngành dịch vụ, thương mại; tăng dần tỷ lệ phương tiện giao thông điện, hydro…; sử dụng hydro thay thế coke trong luyện thép “xanh” từ năm 2035; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ giảm phát thải khí nhà kính có tiềm năng như thu và lưu trữ các-bon, phát triển năng lượng hydro xanh.
Tuy nhiên, để phát triển chuỗi giá trị hydro xanh (sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, sử dụng) mang lại hiệu quả kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính bảo vệ môi trường, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư, xây dựng phát triển, Việt Nam cần thiết xây dựng, ban hành lộ trình/chiến lược phát triển nền kinh tế hydro phù hợp với điều kiện của Việt Nam và phù hợp với lộ trình phát triển nền kinh tế hydro trên thế giới.
Trên cơ sở định hướng, chiến lược của Đảng, cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ, tiềm năng lớn năng lượng tái tạo, xu thế phát triển nền kinh tế hydro trên thế giới, Bộ Công Thương đã giao cho Viện Năng lượng thực hiện đề tài “Nghiên cứu và đề xuất lộ trình phát triển nền kinh tế Hydro tại Việt Nam” theo Quyết định số 2425/QĐ-BCT, thời gian thực hiện đề tài 24 tháng.

2. Các nội dụng nghiên cứu
Để xây dựng, đề xuất lộ trình phát triển nền kinh tế hydro tại Việt Nam, Viện Năng lượng sẽ thực hiện các nghiên cứu xu hướng phát triển công nghệ sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, sử dụng hydro xanh và các dẫn xuất của hydro xanh, đánh giá tính cạnh tranh của hydro xanh và các dẫn xuất của hydro xanh với các dạng khác về mặt kinh tế và môi trường, nghiên cứu lộ trình/chiến lược phát triển hydro xanh của các nước trên thế giới từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm để áp dụng ở Việt Nam, rà soát các cơ chế chính sách hiện nay và định hướng phát triển hydro của Việt Nam để đề xuất thêm các cơ chế chính sách mới, nghiên cứu và đề xuất mô hình sản xuất hydro từ nguồn năng lượng tái tạo, đánh giá các địa điểm tiềm năng có thể phát triển các nhà máy sản xuất hydro cung cấp tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trong quá trình nghiên cứu, thực hiện đề tài, Viện Năng lượng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Dầu khí và Than, Cục Hóa chất…), các Bộ ngành liên quan, các tổng công ty, tập đoàn (PVN, EVN, Vinachem, Vnsteel…), các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học, các nhà máy phân đạm, hóa dầu…để trao đổi, thu thập các số liệu/dữ liệu liên quan đến hoạt động, chiến lược phát triển của các ngành, các đơn vị liên quan là cơ sở quan trọng để xây dựng lộ trình phát triển nền kinh tế hydro của Việt Nam.
3. Mục tiêu và kết quả nghiên cứu của đề tài
Mục tiêu của đề tài là đánh giá được tiềm năng ứng dụng và phát triển công nghệ sản xuất H2 từ nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Đề xuất chính sách phát triển, sản xuất nguồn nhiên liệu H2 đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải môi trường, tham gia thị trường năng lượng khu vực và toàn cầu.
Sau khi hoàn thành, kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở để Bộ Công Thương, các đơn vị quản lý nhà nước xây dựng, ban hành lộ trình/chiến lược phát triển hydro ở Việt Nam nhằm đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội trong sử dụng năng lượng, giảm ô nhiễm, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng. Các tổng công ty, tập đoàn, các đơn vị liên quan xây dựng chiến lược phát triển của đơn vị phù hợp với lộ trình/chiến lược phát triển hydro quốc gia nhằm đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng là cơ sở khoa học để các đơn vị liên quan định hướng phát triển khoa học công nghệ, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, các trường đại học có định hướng đào tạo nguồn nhân lực trong chuỗi giá trị hydro (sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, sử dụng).

1 M.HashemNehrir, CaishengWang**, https://doi.org/10.1016/B978-0-12-804448-3.00006-2
2 https://doi.org/10.1016/j.ijhydene.2022.07.253
3 Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
4 Nghị Quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
5 Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26
6 Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nghị Quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
[2]. Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26.
[3]. Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
[4]. https://doi.org/10.1016/B978-0-12-804448-3.00006-2
[5]. https://doi.org/10.1016/j.ijhydene.2022.07.253.
[6]. Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

ThS. Nguyễn Văn Thạo, ThS. Nguyễn Thái Bình – Viện Năng lượng, Bộ Công Thương

Facebook
Twitter
LinkedIn